A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy trách nhiệm nêu gương của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an tỉnh

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặc biệt coi trọng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đó là một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”, đồng thời là phương thức nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “… một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Ngành Công an về trách nhiệm nêu gương, trong thời gian qua, mỗi cán bộ, đảng viên Công an tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc noi gương, đi đầu, coi đây là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Thực hiện lời dạy của Người và các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; trong thời gian qua, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy và Đảng ủy Công an Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.

Về tư tưởng chính trị: Với vai trò, nhiệm vụ được giao, đội ngũ lãnh đạo chỉ huy trong Công an tỉnh luôn có nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm nêu gương của bản thân; tích cực học tập, rèn luyện, chủ động tìm tòi, nghiên cứu và tiếp thu, bồi đắp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định của Nhà nước vào trong thực tiễn công tác và cuộc sống; thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp phần tô thắm thêm hình ảnh người Công an Nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh loại bỏ mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính tr, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ.

Về đạo đức, lối sống: Đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, liêm khiết, tác phong làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo; nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Gương mẫu đi đầu trong thực hiện các hoạt động, phong trào, các cuộc vận động do các cấp, bộ, ngành, địa phương phát động như: Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động Công an nhân dân thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”, “ Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì Nhân dân phục vụ”… Nghiêm túc thực hiện lối sống giản dị, tiết kiệm, không khoa trương, lãng phí; phê phán và bài trừ những hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, hách dịch cửa quyền, các hoạt động mê tín dị đoan và các hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật.

Về mối quan hệ với quần chúng Nhân dân: Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và các mặt công tác của lực lượng CAND nói riêng, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng CAND “đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép”, tư tưởng gần dân, trọng dân, dựa vào dân và vì Nhân dân phục vụ, đội ngũ lãnh đạo chỉ huy trong Công an tỉnh luôn thực hiện tốt công tác dân vận, bám sát cơ sở, gần gũi Nhân dân, quan tâm, giúp đỡ đồng thời phối hợp chặt chẽ với Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người lãnh đạo, chỉ huy trong Công an tỉnh luôn rèn luyện, trau dồi để trở thành tấm gương về phẩm chất cách mạng, đạo đức trong sáng, lối sống giản dị hòa đồng, tác phong nghiêm chỉnh, nhạy bén, trách nhiệm để quần chúng Nhân dân noi theo. Thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, diễn biến nhận thức của Nhân dân để kịp thời có biện pháp giải quyết phù hợp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong công tác và chiến đấu.

Về tự phê bình và phê bình: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí”. Thấm nhuần lời dạy của Người, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong những năm qua, đội ngũ lãnh đạo chỉ huy Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai và thực hiện tự phê bình và phê bình, coi đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong sạch vững mạnh. Việc tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, chất lượng, đảm bảo tính khách quan, trung thực, công tâm với tinh thần xây dựng cao; không nể nang, né tránh, ngại va chạm, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, sửa đổi cái chưa phù hợp. Thông qua tự phê bình và phê bình để kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm và đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả. Gắn thực hiện tự phê bình và phê bình với triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII của Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về ý thức tổ chức, kỷ luật, đoàn kết nội bộ: Nhận thức rõ về trách nhiệm của mình, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy luôn gương mẫu, đi đầu trong việc giữ gìn ý thức, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nghiêm túc thực hiện các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị, địa phương; các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành; chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, những điều đảng viên, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân không được làm; chấp hành nghiêm chỉnh và hoàn thành tốt sự phân công của tổ chức; nghiêm túc thực hiện quy chế làm việc, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng, sinh hoạt đơn vị; gương mẫu thực hiện trách nhiệm của công dân, đảng viên nơi cư trú. Đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy luôn làm tốt vai trò là hạt nhân đoàn kết của đơn vị, tổ chức; là sợi dây gắn kết giữa đồng chí, đồng đội với nhau, đồng thời thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tư tưởng của từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, tạo môi trường làm việc hài hòa, gắn bó, tích cực, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác và sinh hoạt để xây dựng đoàn kết nội bộ, luôn tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo đơn vị cũng như đoàn kết giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sỹ cấp dưới.

Về tác phong, lề lối làm việc: Đội ngũ lãnh đạo chỉ huy luôn chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như thực hiện nhiệm vụ công tác; có phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo, dân chủ, nguyên tắc; phát huy hiệu quả trình độ, năng lực, sở trường, kinh nghiệm của bản thân; vận dụng sáng tạo, linh hoạt kiến thức vào thực tiễn đem lại kết quả công tác đạt chất lượng cao; luôn nêu cao tinh thần trao đổi, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, cầu thị trong công việc; có trách nhiệm cao trong công tác, sáng tạo, đổi mới trong phương thức, lề lối làm việc; có sự phối hợp chặt chẽ với tập thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về trách nhiệm trong thực hiện công tác chuyên môn: Luôn nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của Ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các nội dung, biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy luôn sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và kiến nghị, đề xuất với cấp trên những khó khăn, hạn chế, bất cập để kịp thời có giải pháp khắc phục. Kịp thời, nhạy bén trước những diễn biến tình hình chính trị xã hội, những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến lực lượng Công an nhân dân; nhận thức sâu sắc về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chỉ đạo, thực hiện việc “tự soi, tự sửa” nhằm khắc phục khuyết điểm, ngăn chặn, chấn chỉnh và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của bản thân và cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

Kết quả trên cho thấy hiệu quả rõ rệt trong thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương và tác động tích cực của việc nêu gương đối với các mặt công tác của lực lượng Công an tỉnh. Tuy nhiên, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an tỉnh nói riêng vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một bộ phận nhỏ lãnh đạo, chỉ huy chưa thật sự gần gũi, gắn bó với Nhân dân, việc tiếp công dân theo định kỳ vẫn chưa thường xuyên; chưa thật sự là tấm gương đi đầu trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chưa sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.

Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, người lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân cần đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy thì trách nhiệm nêu gương ngày càng trở nên cấp thiết. Với khẩu hiệu hành động “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung về trách nhiệm nêu gương, cụ thể:

Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân phải luôn giữ lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tự giác, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Luôn kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức công vụ. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy cấp trên về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gắn việc nêu gương với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với Chỉ thị số 04 của Bộ Công an về tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ”.

Thứ hai, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy cần xác định rõ việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng, cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh; thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên luôn là một phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, do đó, việc thực hiện nêu gương phải quyết liệt, đồng bộ toàn diện.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải thể hiện rõ tính gương mẫu, tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức trách nhiệm cao trong công việc và phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo, quản lý xứng đáng với vị trí, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên kiểm điểm bản thân, có dũng khí đấu tranh, tự phê bình và phê bình trước cấp ủy, tổ chức Đảng, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm.

Thứ tư, cần có nhận thức đúng và hành động cụ thể trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương; lấy hiệu quả công tác, kết quả rèn luyện đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đoàn kết nội bộ làm thước đo việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, là căn cứ quan trọng để phân loại, đánh giá cán bộ và phân loại thi đua hàng năm, là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Thường xuyên nghiên cứu, bồi đắp, nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương, phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể, phải nỗ lực, sáng tạo, tận dụng thời gian làm việc, thực sự trở thành những chiến sĩ đi đầu trong mọi mặt công tác.

Thứ năm, quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Thực hiện trách nhiệm nêu gương phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày; gắn kết quả nêu gương với đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, khen thưởng, kỉ luật đúng, kịp thời. Trên cơ sở đó, phát hiện những gương điển hình trong thực hiện nêu gương để nhân rộng cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nêu gương để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở.


Tác giả: Đặng Thân
Tin liên quan