A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gợi ý trả lời một số câu hỏi Cuộc thi viết “Tìm hiểu 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và 20 năm Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”

Nằm trong các hoạt động thực hiện Kế hoạch số 292/KH-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh Kon Tum về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH và 20 năm Ngày toàn dân PCCC, Công an tỉnh Kon Tum đã triển khai đến các đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tham gia cuộc thi viết “Tìm hiểu 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (04/10/1961-04/10/2021) và 20 năm Ngày toàn dân PCCC (04/10/2001-04/10/2021)”. Theo đó, Công an tỉnh Kon Tum gợi ý trả lời một số câu hỏi Cuộc thi viết như sau:

Hội thao kỹ thuật nghiệp vụ PCCC tỉnh Kon Tum lần thứ VI/2016

 

Câu 1: Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC được xác định là ngày, tháng, năm nào? Ý nghĩa của việc xác định Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC?

1. Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC

– Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh “Quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”. Ngày 22/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 5490/QĐ-BCA-X11 về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC.

– Năm 2010, lực lượng Cảnh sát PCCC chính thức được Bộ Công an giao thêm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Ngày 22/02/2021, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định số 1036/QĐ-BCA về việc xác định ngày 04/10/1961 là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

2. Ý nghĩa của việc xác định Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC

– Thứ nhất, Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của một trong những lực lượng thuộc Công an nhân dân Việt Nam.

– Thứ hai, đây là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát PCCC trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự đất nước; trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã đạt được nhiều thành tựu, chiến công, góp phần bảo vệ thành quả của xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

– Thứ ba, việc xác định ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, vượt qua khó khăn, gian khổ cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Cảnh sát PCCC, để qua đó góp phần tăng cường, củng cố vững chắc niềm tin, lòng trung thành của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an; đồng thời động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ nghiệp vụ, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– Thứ tư, hàng năm thông qua tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an các đơn vị, địa phương đánh giá, tổng kết những thành tựu đã đạt được và chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH góp phần vào công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự đất nước, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác này trong tình hình mới.

Câu 2: Hãy nêu những chiến công tiêu biểu ở mỗi thời kỳ cách mạng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH? Những danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH?

1. Những chiến công tiêu biểu ở mỗi thời kỳ cách mạng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

1.1. Lực lượng Cảnh sát PCCC trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (giai đoạn 1945 – 1954)

Từ đầu năm 1945, tại Sài Gòn – Chợ Lớn, một số đội viên cứu hỏa được tuyên truyền giác ngộ, đã bí mật gia nhập tổ chức Thanh niên tiền phong (thành viên của Mặt trận Việt Minh). Ngày 24/8/1945, những anh em này đã lãnh đạo toàn đội tham gia khởi nghĩa đuổi tên Giám đốc Sở Chữa lửa người Pháp giành chính quyền ngay ở Sở Chữa lửa.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, thực dân Pháp lại rắp tâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 23/9/1945, tiếng súng kháng chiến nổ ra ở Nam Bộ. Đêm hôm sau, một trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch diễn ra tại Sở Chữa Lửa, 3 đồng chí của ta đã lần lượt hy sinh khi leo lên đài quan sát (còn gọi là Tháp gác lửa) để hạ cờ địch, treo cờ của ta lên. Người thứ 4, đồng chí Nam Hạnh (còn gọi là Hạnh Bum), lại tiếp tục xông lên, đã dũng cảm, khéo léo hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cũng bị thương và hy sinh.

Ngày 11/10/1954, ta tiếp quản Đội cứu hỏa thuộc Sở Giao thông Công chính Hà Nội. Trong thời gian địch tạm chiến, đội này trực thuộc Xưởng Công chính của Sở Giao thông Công chính của Ngụy quyền. Tại đây, có một chi bộ Đảng ta hoạt động bí mật. Đồng chí Nguyễn Văn Dần, đảng viên từ năm 1949 của Chi bộ, công nhân lái xe của xưởng, được giao nhiệm vụ vận động tổ công đoàn cứu hỏa và quần chúng trong xưởng đấu tranh với địch để giữ lại và bảo vệ các phương tiện cứu hỏa, không cho chúng phá hủy hoặc di chuyển vào Nam. Cuộc đấu tranh chỉ diễn ra trong phạm vi nhỏ, nhưng cũng rất quyết liệt. Kết quả là toàn bộ xe, máy bơm chữa cháy và các trang bị khác đã được bàn giao đầy đủ cho đoàn cán bộ tiếp quản của ngành Công an, gồm có: 7 xe chữa cháy các loại và 2 máy bơm Ghi-na (Guinard).

1.2. Lực lượng Cảnh sát PCCC trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước (giai đoạn 1954 – 1975)

Ngày 01/01/1955, đơn vị cứu hỏa Hà Nội được giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ lễ đài tại quảng trường Ba Đình trong buổi mít tinh của nhân dân Thủ đô chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần bắt tay các chiến sĩ cứu hỏa và nói: “Năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp” và sau đó Bác nói thêm “nếu các chú mà có việc luôn thì nhà dân cháy hết”. Lời chúc của Bác có ý nghĩa sâu sắc, là kim chỉ nam cho hoạt động của lực lượng phòng hỏa, cứu hỏa.

Năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Bộ Công an chỉ thị cho các lực lượng Công an tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ an toàn giao thông, PCCC… Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ cho các quân khu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, dân quân, tự vệ địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC thực hiện nhiệm vụ PCCC ở cơ sở, nhất là các vụ cháy do địch gây ra. Từ đây, công tác PCCC trở thành một nhiệm vụ quan trọng của dân quân tự vệ trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của địch. Nhiều đơn vị, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát PCCC đã phối hợp với dân quân tự vệ dũng cảm tham gia chữa cháy, bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Điển hình như các vụ:

– Vụ máy bay Mỹ đánh phá trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao, Tam Điệp, Ninh Bình ngày 07/11/1965, lực lượng Cảnh sát PCCC đã cắt được luồng lửa đang cháy xung quanh quả tên lửa rồi di chuyển quả tên lửa đến địa điểm an toàn.

– Vụ máy bay ném bom trúng ga Gôi thuộc tỉnh Hà Nam ngày 20/8/1966 làm một đoàn tàu chở thuốc trừ sâu bốc cháy. Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam đã điều động 02 xe cứu hoả, 12 cán bộ chiến sĩ cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân quân tự vệ để chống chọi với giặc lửa. Sau 4 giờ chiến đấu dũng cảm với giặc lửa cùng với môi trường độc hại trong điều kiện không có thiết bị bảo hộ an toàn, lực lượng chữa cháy đã dập tắt hoàn toàn đám cháy, cứu được 102 tấn lương thực, trên 20 tấn thuốc trừ sâu vôphatốc, đặc biệt đã bảo vệ hàng ngàn người dân khu vực xung quanh khỏi nguy cơ nhiễm độc do số thuốc trừ sâu này gây lên nếu bị cháy. Trong trận này, đã xuất hiện tấm gương quên mình để cứu tài sản, bảo vệ cuộc sống của nhân dân, 03 đồng chí của Công an tỉnh Hà Nam và 12 đồng chí của Đại đội thanh niên xung phong đã hy sinh, 83 người khác bị nhiễm độc nặng. Họ là những người không quản ngại nguy hiểm, chấp nhận bản thân bị nhiễm độc để bảo vệ an toàn cho những người dân sống ở khu vực xung quanh.

– Vụ chữa cháy 4 xà lan lớn chở xăng dầu trên Vịnh Hạ Long;

– Vụ chữa cháy thị xã Đồng Hới, Quảng Bình;

– Vụ chữa cháy tàu Alecxandra của Liên Xô chở hàng viện trợ cho ta ở cảng Hải Phòng và vụ chữa cháy kho xăng dầu Thượng Lý, Hải Phòng;

– Vụ chữa cháy khu lắp ráp tên lửa ở đồi Nhơm, Triệu Sơn, Thanh Hóa;

– Vụ chữa cháy tổng kho xăng dầu Đức Giang và hàng trăm vụ cháy lớn phức tạp khác xảy ra trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã được cứu chữa kịp thời.

Đặc biệt, vụ không quân Mỹ tập trung đánh phá Hà Nội, mục tiêu chính là Kho xăng dầu Đức Giang ngày 29/6/1966. Đây là kho dự trữ xăng dầu lớn nhất phục vụ công tác phát triển kinh tế miền Bắc và phục vụ chi viện cho miền Nam. Ngay từ khi một số bể xăng dầu bị cháy, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC phải trực tiếp chỉ đạo công tác chữa cháy, huy động các lực lượng Cảnh sát PCCC lân cận đến hỗ trợ, điều động những chuyên gia giàu kinh nghiệm phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an Hà Nội chữa cháy. Trong điều kiện ta chưa có bọt chữa cháy, các chiến sĩ phải dùng áp lực nước từ lăng A dập ngọn lửa từ trong các bể xăng phun ra, đồng thời phun nước làm mát các bể xăng lân cận, phân tán các phi xăng khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng tham gia chữa cháy phải làm việc hết sức khẩn trương, trong môi trường hết sức khắc nghiệt và cực kỳ nguy hiểm như phải áp sát những ngọn lửa nóng rát, khói bụi mù mịt, máy bay địch trở lại oanh tạc bất cứ lúc nào. Nhưng với tinh thần dũng cảm phi thường, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã làm lên một kỳ tích tuyệt vời. Sáng hôm sau, đám cháy được dập tắt, bảo toàn được phần lớn lượng xăng dầu trong Tổng kho.

Với thành tích, chiến công đã đạt được, ngày 03/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô. Đây cũng là lời khen ngợi chung của Bác Hồ đối với lực lượng Cảnh sát PCCC trong cả nước. Nội dung bức thư, Bác viết:

“Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn. Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sỹ. Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này:

– Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

– Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

– Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy và chữa cháy.

– Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí.”

Trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, lực lượng Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu, chế tạo trên 5.000 bom cháy và vũ khí gây cháy phục vụ việc đánh phá kho tàng, hậu cứ của địch. Trong cuộc tổng tiến công giải phòng miền Nam năm 1975, lực lượng Cảnh sát PCCC đã theo sát quân chủ lực tiếp quản những đô thị mới được giải phóng và triển khai kịp thời lực lượng, phương tiện và các biện pháp PCCC, góp phần giữ gìn và ổn định an ninh trật tự cho nhân dân.

1.3. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN (giai đoạn từ 1975 đến nay)

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, lực lượng Cảnh sát PCCC vừa củng cố, xây dựng lực lượng tại các tỉnh phía Nam, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia PCCC; kiểm tra, hướng dẫn biện pháp an toàn cho các kho tàng, bến bãi, cơ sở kinh tế, quốc phòng, phục vụ phát triển kinh tế. Trong lúc đất nước gặp khó khăn về nhiên liệu, lại liên tiếp xảy ra cháy hầm lò khai thác than, việc cứu chữa rất khó khăn vì thiếu phương tiện, thiết bị đặc chủng, nhưng với sự sáng tạo trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, lực lượng Cảnh sát PCCC đã ngăn chặn và dập tắt không để gây thiệt hại nghiêm trọng, điển hình là chữa cháy mỏ than Ngọc Kinh (Đà Nẵng) lực lượng Cảnh sát PCCC đã sáng tạo dùng khói bom Napan để dập tắt đám cháy; vụ cháy mỏ than Vàng Danh sâu trong lòng đất gây nhiều khó khăn cho công tác cứu chữa, bằng những giải pháp khoa học, sáng tạo, lực lượng Cảnh sát PCCC đã dập tắt đám cháy, giúp mỏ khôi phục hoạt động, khai thác ngay sau đó.

Trong thời kỳ đổi mới, lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp tục phát huy truyền thống, làm tốt công tác PCCC, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an quan tâm đầu tư phát triển toàn diện về mọi mặt, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác PCCC và CNCH như: Chỉ thị số 1634/CT-Tg ngày 03/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về công tác PCCC và CNCH; Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/08/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 03/CT-BCA-C66 ngày 04/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC trong lực lượng CAND; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, …

2. Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

2.1. Các Huân chương tặng thưởng lực lượng Cảnh sát PCCC

– Huân chương Quân công hạng Nhất (1981).

– Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996).

– Huân chương Hồ Chí Minh (2001).

* Riêng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH được tặng thưởng:

– Huân chương Lao động (1962).

– Huân chương Hồ Chí Minh (2006).

– Huân chương Chiến công Hạng Ba (2007).

– Huân chương Quân công Hạng Ba (2011).

2.2. Các đơn vị trong lực lượng Cảnh sát PCCC được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (15 đơn vị)

a) Phong tặng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (12 đơn vị)

– Đội Cảnh sát PCCC Hạ Long, Ty Công an Quảng Ninh (1967).

– Đội Cảnh sát PCCC Hoa Lư, Ty Công an Ninh Bình (1967).

– Đội Cảnh sát PCCC, Ty Công an Quảng Bình (1973).

– Đội Cảnh sát PCCC, Ty Công an Thanh Hoá (1973).

– Đội Cảnh sát PCCC, Sở Công an Hải Phòng (1973).

– Đội Cảnh sát PCCC Lộc Hà, Sở Công an Hà Nội (1973).

– Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Nghệ An (1995).

– Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hải Dương (1998).

– Đội Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hà Nam (1998).

– Đội Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Nam Định (1998).

– Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Hà Tĩnh (1998).

– Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Thái Bình (2000).

b) Phong tặng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (01 đơn vị)

– Phòng Tổ chức công tác chữa cháy, Cục Cảnh sát PCCC, Bộ Nội vụ (1985).

c) Phong tặng trong thời kỳ đổi mới (02 đơn vị)

– Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Cần Thơ (1998).

– Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh Long An (2000).

Câu 3: Ngày toàn dân PCCC được quy định là ngày nào, tại văn bản quy phạm pháp luật nào? Ý nghĩa của Ngày toàn dân PCCC?

Ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh việc quy định Quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là văn bản quan trọng đầu tiên, là dấu mốc lịch sử đối với quan trọng đối với công tác PCCC. Bản Pháp lệnh có nêu rõ: “PCCC là để bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng tài sản của nhân dân; bảo vệ sản xuất với an ninh trật tự; đồng thời cũng khẳng định công tác PCCC là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân và của toàn xã hội”.

Ngày 31/5/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Chỉ thị số 175/LCT về công tác PCCC trong đó quy định lấy ngày 04/10 hằng năm là “Ngày truyền thống toàn dân PCCC”.

Ngày 04/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg xác định hằng năm lấy Ngày 04/10 là “Ngày PCCC toàn dân”. Quyết định nêu rõ: Việc tổ chức ngày này nhằm nâng cao ý thức PCCC cho toàn dân, huy động được đông đảo quần chúng tham gia vào các hoạt động thiết thực, bổ ích trong công tác này; biểu dương, khen thưởng đối với những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào toàn dân PCCC.

Qua tổng kết 35 năm thi hành Pháp lệnh, ngày 12/7/2001, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 08/2001/L-CTN công bố ban hành Luật PCCC được Quốc hội Khóa X thông qua ngày 29/6/2001 tại kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 04/10/2001. Luật PCCC quy định ngày 04/10 hằng năm là “Ngày toàn dân PCCC”./.

Vũ Linh

 


Tin liên quan