A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những chiến sĩ áo trắng sau cánh cửa giam giữ

Vừa là thầy thuốc, vừa là chiến sĩ Công an, các cán bộ y tế làm việc trong Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum không những giỏi chuyên môn, mà còn phải luôn khéo léo và tỉnh táo mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, phối hợp quản lý người bị tạm giam và giáo dục cải tạo phạm nhân.

Nơi khám bệnh của người thầy thuốc…

Chẳng phải là những tòa nhà cao ốc, chẳng có những thiết bị máy móc hiện đại hay giường nằm được thiết kế nâng lên hạ xuống như ở những bệnh viện, phòng khám… Nơi khám chữa bệnh của những người thầy thuốc nơi đây là buồng giam, phòng giam các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong khu giam giữ thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum. Nằm ở một vị trí cách xa địa bàn khu dân cư, cách xa các Trung tâm y tế và bệnh viện nên nhiều trường hợp ca bệnh lên cơn cấp cứu, các y bác sỹ đã phải rất vất vả để giúp bệnh nhân của mình vượt qua những cơn đau, sự nguy hiểm.

Tấm lòng của người thầy thuốc…

Không những là cán bộ, là người thầy thuốc mà họ còn giống như cả những người thân của bệnh nhân của mình bởi vì có những đối tượng sau khi bị bắt về hành vi phạm tội của mình thì gia đình, thân nhân của họ cũng không thăm nuôi và chăm sóc. Những lúc như vậy, những người bệnh lại suy nghĩ nhiều trở nên chán nản nên bệnh tình ngày càng nặng hơn. Thấu hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh này, ngoài việc thăm khám chữa bệnh, các y bác sỹ ở đây còn động viên, vỗ về thăm hỏi bệnh nhân của mình cố gắng vượt qua cơn đau và chấp hành cải tạo tốt để sớm trở về với xã hội, làm lại cuộc đời.

Nhớ lại trước đây, khi đối tượng N.V.T (Sn: 1990; Trú tại: TP.Plei Ku, Gia Lai) bị hen suyễn nặng từ mấy năm trước khi nhập Trại cho biết, mỗi lần anh lên cơn hen, bất kể ngày đêm, cán bộ y tế đều ở bên cạnh chăm sóc cho đến khi bình phục. Có lần, khoảng 1-2 giờ sáng, cơn hen suyễn bất ngờ ập đến khiến T. gần như không thở được, người tím tái. Cán bộ y tế trong trại đã cấp cứu kịp thời, chuyển T đi bệnh viện và ở lại theo dõi, chăm sóc cho T suốt trong thời gian chữa trị.

Còn can phạm A Do (SN 1980; Trú tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) là đối tượng nghiện rượu nặng. Thời gian đầu vào trại, không kiểm soát được bản thân nhiều lần tự lao đầu vào bốn bức tường khiến đầu chảy máu. Các bác sĩ đã phải cấp cứu và băng bó vết thương cả đêm. “Tôi giữ được sinh mạng và sức khỏe tiến triển tốt như hôm nay cũng là nhờ các cán bộ y tế. Ân tình này tôi ghi tạc trong lòng. Tôi luôn tự hứa sẽ cải tạo thật tốt và khi ra tù, cố gắng trở lại làm người lương thiện để không phụ lòng của các cán bộ đã quan tâm, giúp đỡ”, phạm nhân A Do nói.

Trong tổng số can phạm nhân ở tại Trại, có rất nhiều đối tượng bị đau bệnh khác nhau trong đó có cả bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Cán bộ y tế hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều bệnh nhân nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Nhiều tình huống khẩn cấp, cán bộ y tế phải dùng tay không tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở của bệnh nhân nhiễm HIV. Khi được hỏi thì các cán bộ y tế ở Trại tạm giam Kon Tum rằng: Trong tình huống như trên có sợ bị phơi nhiễm không, tất cả đều trả lời: “Ai mà chẳng sợ bị lây nhiễm căn bệnh chết người này, nhưng khi ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân đang mong manh, chúng tôi không có thời gian để tính toán mà chỉ làm theo cái tâm của người thầy thuốc”.

Số lượng can phạm nhân đông, trong khi đội ngũ cán bộ y tế của trại chỉ có 04 đồng chí. Ban ngày, họ luôn tất bật với công việc và còn phải thay phiên nhau trực đêm. Công việc bận rộn, tuần nào cũng phải ngủ lại cơ quan 2 – 3 buổi… Đối với nhiều phạm nhân, bệnh xá còn là nơi chia sẻ những câu chuyện, những nỗi buồn. Đặc biệt, đối với bệnh nhân mới nhập Trại, cán bộ y tế là người tư vấn tâm lý, an ủi họ sớm thích nghi được cuộc sống trong trại.

Và bản lĩnh của người chiến sĩ Công an

Ngoài xã hội, khi gặp bác sĩ, bệnh nhân luôn khai bệnh trung thực, giúp việc chuẩn đoán bệnh và điều trị dễ dàng hơn. Nhưng trong trại giam lại khác, nhiều trường hợp đối tượng giả vờ đau, có người còn buộc ga-rô trên cánh tay cho tay bị tím tái rồi kêu đau. Và khi bị vạch trần mánh khóe giả vờ đau ốm thì quay ra có những lời lẽ xúc phạm cán bộ y tế. “Cán bộ y tế trại không chỉ đảm nhận việc chăm sóc bệnh nhân mà còn là chiến sĩ Công an, phải bản lĩnh, không lùi bước trước những đối tượng có hành vi chống đối; đồng thời luôn tỉnh táo, dựa vào kỹ năng, kiến thức y tế để đấu tranh chống những hành vi gian dối sao cho họ tâm phục khẩu phục”, cán bộ y tế Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Đồng chí Trung úy Nguyễn Thanh Bình – Cán bộ y tế Trại tạm giam

Cái khó nhất đối với những người làm công tác y tế ở Trại tạm giam, đó là sự độc lập tác chiến và kinh nghiệm bản thân tự rút ra trong quá trình công tác mà khó có điều kiện chia sẻ. Đơn giản như việc bệnh nhân kêu đau bụng, chỉ cần nhìn sắc mặt, sờ qua người là có thể biết bệnh nhân đó có bị đau thật hay không để từ đó có phương pháp điều trị đúng đắn. Đối với những phạm nhân giả ốm, các đồng chí phải chứng minh bệnh nhân không có bệnh.

Quả vậy, công việc của các đồng chí không chỉ là khám chữa bệnh thông thường mà là trực tiếp đối diện với tội phạm. Nếu chẩn đoán sai, bệnh nhân không ốm (hoặc ốm nhẹ) mà cho đi viện, rất có thể can phạm lợi dụng cơ hội trốn; hoặc được nằm lại ở bệnh viện để đối phó cơ quan điều tra. Nếu bệnh nhân nặng mà không chữa trị kịp thời cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của họ.

Xuất phát từ lối sống, sinh hoạt không lành mạnh trước đây, nên đa số can phạm nhân khi vào trại có vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, trong trại các cán bộ y tế nhiều khi phải đối mặt với những tình huống chuyên môn rất khó khăn. “Những năm qua, nhờ được tham gia các lớp tập huấn về y tế nên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm xử lý các tình huống khẩn cấp của cán bộ y tế từng bước được nâng cao, đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp trước khi chuyển đến bệnh viện. Do đó, tỉ lệ tử vong vì bệnh tật trong Trại thời gian qua là không có. Tuy nhiên, các y bác sĩ cũng cần được nâng cao hơn nữa về trình độ và được quan tâm đáp ứng các trang thiết bị, dụng cụ y tế để sử dụng.

Các đồng chí còn cho biết thêm ngoài việc quản lí, chữa trị cho họ, các cán bộ y tế còn phải làm công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh để tiến hành lấy mẫu máu để xét nghiệm bệnh xã hội cho can phạm nhân kịp thời chữa trị và ngăn chặn lây lan. Công tác ở Trại có rất nhiều đặc thù, nhiều hôm, đến bữa các đồng chí chưa kịp ăn, lại có bệnh nhân cấp cứu…

Phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng để lấy mẫu máu xét nghiệm bệnh xã hội

Không chỉ khám chữa bệnh, các y bác sĩ ở Trại tạm giam còn phải làm công tác phòng dịch, bảo vệ môi trường, không được để xảy ra dịch ở nơi này và nhất là trong thời điểm hiện nay. Vất vả là thế nhưng các cán bộ y tế ở Trại tạm giam vẫn không nản lòng. Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2021), thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh nói chung và cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam nói riêng kính chúc các đồng chí, người thầy thuốc đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân luôn luôn mạnh khỏe, an tâm tư tưởng công tác và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

Trọng Quỳnh

 


Tin liên quan