A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy

Cùng với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Để ngăn ngừa cháy, nổ và thảm hoạ do cháy, nổ gây ra, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC là một biện pháp phòng ngừa quan trọng. Do đó, để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia PCCC thực sự thiết thực, hiệu quả, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC cần học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh, học tập và vận dụng quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Người.

Quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tác phẩm “Nghe lời Bác dạy” của hoạ sĩ Vương Trình (nguồn: toquoc.vn)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, Người nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền, xây lầu hạnh phúc trên nền Nhân dân”. Điều này được thể hiện như sau:

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của Nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện trước hết của “dân là gốc” là phải tin ở dân, gần gũi dân và biết dựa vào dân; phải có ý thức rõ “dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn biến đường lối chủ trương của Đảng thành phong trào quần chúng, thành sức mạnh cách mạng thì Đảng phải có đường lối đúng đắn, cán bộ đảng viên phải liên lạc mật thiết với dân chúng.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy tinh thần làm chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của Nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng và đưa sự nghiệp đó tiến lên. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, “thực hành dân chủ là cái chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”.

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân.

Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem mình là người phục vụ quần chúng, chịu trách nhiệm trước quần chúng. Người căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, mỗi cán bộ trước hết là người “đầy tớ của dân” nên phải hết lòng phục vụ Nhân dân, đồng thời là người lãnh đạo hướng dẫn Nhân dân nên phải có trí tuệ hơn người, biết nhìn xa trông rộng và phải gần gũi Nhân dân.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Kon Tum vận dụng quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC.

Xuất phát từ quan điểm hết lòng phụng sự Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục đích của việc tuyên truyền là “đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại” và mục đích của tuyên truyền là giải thích lập luận, chứng minh để “dân hiểu, dân nhớ, dân tin, dân làm theo”.

Bởi vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ PCCC, cán bộ tuyên truyền cần làm rõ cho Nhân dân hiểu được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn PCCC, khi người dân đã hiểu kỹ vấn đề, người dân làm theo những gì cán bộ đã hướng dẫn, khi ấy người cán bộ mới hoàn thành nhiệm vụ.

Trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC, cán bộ cần phải bám sát nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Mục đích của công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Nhân dân đối với công tác PCCC; nâng cao kiến thức PCCC cho quần chúng; nâng cao khả năng thực hiện các biện pháp PCCC cho Nhân dân.

Nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC gần gũi, thiết thực với Nhân dân

Người cán bộ làm công tác tuyên truyền toàn dân PCCC khi trình bày những vấn đề liên quan đến công tác PCCC cần có sự trao đổi trực tiếp, thẳng thắn những vấn đề liên quan đến công tác PCCC, những vấn đề này phải thực sự gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân. Bài tuyên truyền cần sử dụng nhiều tư liệu thực tế để đảm bảo tính thống nhất giữa lý thuyết và thực tế, tính cụ thể trong công tác tuyên truyền, từ đó thu hút được người nghe tốt hơn. Tài liệu thực tế cần phải được lấy từ cơ sở để dẫn chứng cho một luận điểm nào đó, tránh lấy những ví dụ ở một nơi xa xôi, nơi mà nhiều người nghe không biết hoặc chưa từng nghe nói đến vì sẽ làm giảm sức thuyết phục của bài nói.

Huy động sức mạnh của toàn dân trong công tác PCCC

Bác có nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Trong công tác PCCC có những nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc PCCC là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt quá trình tổ chức hoạt động PCCC. Nguyên tắc PCCC được quy định tại Điều 4, Luật PCCC đó là “Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC”.

 
 

 

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho giáo viên, học sinh Trung tâm Ngoại ngữ Smart English

Như vậy, hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC là một trong những bộ phận của công tác PCCC. Do vậy, việc tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC cũng cần quán triệt tốt nguyên tắc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Nguyên tắc này được thể hiện trong hoạt động tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC như sau:

Trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC phải biết huy động mọi nguồn lực (nhân lực, trí lực, tài lực, vật lực…) để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và cả cộng đồng quốc tế để giải quyết nhiệm vụ tuyên truyền, vận động toàn dân PCCC.

Vận dụng linh hoạt những quan điểm đó, trong 8 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 601 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH với 13.743 người tham gia, 2.142 lượt tuyên truyền lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố với 3.556 người tham gia; 55 lượt tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường giao thông; 81 lượt tuyên truyền thông qua màn hình tại nơi công cộng. Gửi 173.956 lượt tin nhắn SMS có nội dung khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đến người dân trên địa bàn tỉnh, phát 140.469 tờ rơi tại các khu dân cư, treo 1.069 pa nô, áp phích, băng rôn. Bên cạnh đó, triển khai 03 mô hình tự quản trong bảo đảm an toàn PCCC, xây dựng 14 tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh.

Để bảo đảm công tác chữa cháy tại chỗ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã quan tâm xây dựng, củng cố các đội PCCC cơ sở, chuyên ngành và dân phòng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 756 đội dân phòng với 7.698 đội viên, 1.137 đội PCCC cơ sở với 7.511 đội viên và 03 đội PCCC chuyên ngành  với 149 đội viên. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức 21 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH với 1.676 người tham gia, cấp 1.289 giấy chứng nhận cho 1.289 cá nhân đủ điều kiện. Qua đó, công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia PCCC và CNCH đã mang lại nhiều kết quả thiết thực như: ý thức, trách nhiệm về PCCC của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao; lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và quần chúng Nhân dân đã phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời, có hiệu quả nhiều vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, góp phần kiềm chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

 

 


Tác giả: Như Ý