A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Môn (A Mét)

 

C:\Users\Admin\Desktop\279297306_1631367787247264_4465388623526048159_n.jpg

Sinh năm: 1913

Dân tộc: Giẻ – Triêng

Quê quán: Xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gian khổ, với biết bao mất mát, hi sinh, nhân dân xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vẫn quyết một lòng đoàn kết đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Xã Xốp có 500 thanh niên xung phong, dân công, hoả tuyến, 15 người tập kết ra Bắc, 96 gia đình có công với cách mạng, 300 gia đình nuôi giấu cán bộ hoạt động, 67 liệt sĩ hi sinh trong 02 cuộc kháng chiến, 28 thương binh, 15 bệnh binh và 01 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước truy tặng là đồng chí A Mét.

Đinh Môn (A Mét) và làng Xốp Dùi (thuộc xã Xốp ngày nay) là nguyên mẫu có thật được nhà văn Nguyễn Trung Thành xây dựng thành hình tượng cụ Mét và làng Xô Man hùng tráng trong tác phẩm văn học Rừng xà nu. Trong lịch sử, dưới sự chỉ huy của A Mét, Xốp Dùi được xây dựng thành mô hình làng kháng chiến sớm nhất ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng, trở thành một hình mẫu trong phong trào đấu tranh giữ làng của đồng bào các dân tộc Kon Tum và Tây Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

A Mét (Đinh Môn, A Môn) sinh ngày 27/4/1913, tại làng Đăk Xay, xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, khi trưởng thành, ông lấy vợ người làng Xốp Dùi và đã trở thành linh hồn của bản trường ca kháng chiến Xốp Dùi. Khi thực dân Pháp đến xâm lượt quê hương, ông đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Chứng kiến cảnh thực dân Pháp vừa trấn áp dã man, vừa lừa phỉnh, dụ dỗ đồng bào, A Mét rất căm giận và suy nghĩ rất nhiều để tìm ra cách đánh Pháp. Sau những ngày rời bỏ cuộc vui trong săn bắn với bạn bè, ngồi trầm tư bên dòng suối, cuối cùng A Mét đã quyết chí đứng lên vận động những trai tráng trong làng cùng bà con đoàn kết, dựng bẫy, cắm chông, bố phòng chống thực dân Pháp.

Từ làng Xốp Dùi, với uy tín và sự vận động tài tình của A Mét, nhiều làng khác trong xã Xốp, rồi xã Đoàn (huyện Đăk Glei) đã cùng đứng lên đánh Pháp, tạo thành một phong trào đánh thực dân Pháp rầm rộ ở vùng núi Đăk Glei. Sau này, được sự hướng dẫn của các đồng chí cán bộ cách mạng trong tổ chức Việt Minh từ Ba Tơ (Quảng Ngãi) lên, A Mét đã thành lập được đội du kích, cùng bà con trong vùng gầy dựng được phong trào đấu tranh mạnh mẽ và rộng khắp, góp phần quan trọng đưa công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn huyện Đăk Glei và tỉnh Kon Tum đi đến thắng lợi hoàn toàn. A Mét là một thanh niên dũng cảm và có lòng yêu nước sâu sắc, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này, ông có uy tín rất lớn trong đồng bào các dân tộc vùng Đăk Glei (theo hồi ký của đồng chí Phạm Trọng (Nhớ), nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum khoá IV (1971-1973)). Nếu như ở Gia Lai có anh hùng Đinh Núp của làng Sơ Tơr nổi tiếng, thì Kon Tum cũng có một anh hùng A Mét như thế.

Năm 1949, ông được đồng chí Trần Kiên (khi ấy là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc lập thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hoạt động tại vùng Đăk Glei, Đăk Tô và Kon Plông), thay mặt tổ chức kết nạp vào Đảng. A Mét được phân công nhiệm vụ làm Huyện đội trưởng huyện Đăk Glei từ năm 1949 đến năm 1954. Với bản lĩnh của người chiến sĩ Cộng sản, tài chỉ huy bẩm sinh và sự khéo léo trong cách vận động, tập hợp quần chúng, trong thời gian này, đồng chí đã cùng lực lượng bộ đội huyện tổ chức được rất nhiều trận đánh thực dân Pháp và giành thắng lợi.

Năm 1954, đồng chí được Đảng và Bác Hồ đưa ra Bắc để học tập, tạo nguồn cán bộ, dẫn theo vợ và con trai Đinh Như Rươn. Nhưng nỗi nhớ Xô Man, nhớ cánh rừng xà nu và dòng máu của một chiến binh Giẻ – Triêng đã thôi thúc ông trở về núi rừng Đăk Glei. Tạm gửi lại đứa con trai và mộ phần người vợ ở miền Bắc, năm 1959, A Mét trở lại Đăk Glei sinh sống và công tác. Đến năm 1962, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ xã Xốp; từ năm 1963 đến 1965, đồng chí được bầu làm Huyện uỷ viên huyện H30[1]; từ năm 1966 đến 1967, là Phó Chủ tịch huyện và từ năm 1968 đến 1972, ông đảm nhận chức vụ Bí thư Huyện uỷ huyện H30, trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau ngày Kon Tum giải phóng, ông là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Glei. Chuyện A Mét đánh thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã lâu lắm, chỉ còn những người già nhất ở Đăk Glei còn nhớ. Nhưng một cụ A Mét rắn rỏi, bình dị, hoà mình với dân làng những năm sau giải phóng thì rất nhiều người vẫn nhắc đến. Ông Đinh Như Rươn, con trai A Mét kể lại: “Từ sau ngày giải phóng cho đến năm 1980, cha tôi làm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Glei, cụ cứ băng rừng đi từ thị trấn về khắp các buôn làng ở Đăk Glei kể chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ ngày xưa và căn dặn đồng bào làm ăn, xây dựng nếp sống mới…”

Năm 2000, cụ A Mét qua đời ở tuổi 87 tại xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei. A Mét trở thành một huyền thoại, một con người của lịch sử. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí đã thể hiện được tài năng về quân sự và công tác dân vận; sự tài tình, khôn khéo trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn của quần chúng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương các loại như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng… Ngày 27/4/2012, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với đồng chí A Mét. Đây là sự tôn vinh xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với người anh hùng của vùng đất Tây Nguyên này.

Thành Dược (Trích lượt từ “Chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Kon Tum (Tập 2)” – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật năm 2021)

  1. Mật danh huyện H30 nay là khu vực phía đông của huyện Đăk Glei.

 


Tin liên quan