A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu và cũng là nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Những cống hiến của Người trong sự nghiệp giáo dục – đào tạo bao thế hệ con người Việt Nam đã trở thành một bộ phận quan trọng làm nên sự nghiệp văn hóa kiệt xuất của Người.

Hồ Chí Minh là người thầy của cách mạng Việt Nam, là người tổ chức, lãnh đạo, cổ vũ nhân dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại đồng thời là người thầy trực tiếp giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng nên bao thế hệ cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Những thế hệ cán bộ cách mạng ấy đã cùng với Người đưa dân tộc ta từ một dân tộc nô lệ, bị kìm hãm trong vòng lạc hậu, tối tăm từng bước tiến lên làm chủ đất nước, từng bước nâng cao văn hóa, đạo đức, lối sống… để sánh vai với năm châu.

Để chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam, tháng 6-1925, tại Quảng Châu, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tập hợp những thanh niên Việt Nam yêu nước vào trong một tổ chức thống nhất. Với tầm nhìn chiến lược, với vị thế cán bộ của Ban Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn những thanh niên Việt Nam có khả năng, gửi đi học Trường đại học Phương Đông và Trường quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu, trong đó có các đồng chí sau này giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ… Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn và cử những thanh niên đi đào tạo, Người còn muốn gửi những thiếu nhi độ tuổi từ 12-15 có mặt ở Quảng Châu, đang là “những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam” sang Mátxcơva để đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam sau này.

Sau khi nước nhà giành được độc lập, trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã không ngừng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục ở mọi cấp, từ giáo dục mẫu giáo đến giáo dục đại học. Người thường xuyên gửi thư thăm hỏi, chúc mừng và dành thời gian đến thăm nhiều trường học, cơ sở đào tạo từ miền xuôi đến miền ngược, hỏi han, căn dặn nhiều điều quý báu.

Những bức thư, những bài nói chuyện của Người với thầy giáo, học sinh như những lời căn dặn bao thế hệ thầy trò cho đến hôm nay còn giữ nguyên tính khoa học, hiện đại, định hướng cho sự nghiệp đổi mới, cải cách, phát triển nền giáo dục – đào tạo nước nhà.

Tư tưởng về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục – đào tạo. Trong Di chúc, phần viết về đoàn viên và thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết tha căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rấ trọng và rất cần thiết”, tức là Người muốn lưu ý với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải luôn luôn quan tâm đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là nhiệm vụ cấp bách trong mọi giai đoạn cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là sự kế thừa những minh triết trong quan điểm về con người, về giáo dục của dân tộc và nhân loại, đặc biệt là sự kế thừa quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin. Lênin từng viết: “Chỉ có cải tổ triệt để việc tổ chức và giáo dục thanh niên thì chúng ta mới có thể, bằng những cố gắng của thế hệ trẻ, đạt được kết quả là xây dựng nên một xã hội không giống xã hội cũ, tức là xã hội cộng sản”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vận động, giáo dục thanh niên cũng chính được đúc kết từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Khi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Người nhận ra rằng cách mạng muốn thành công, trước hết phải tập hợp lực lượng cách mạng, muốn thức tỉnh dân tộc đi theo con đường cách mạng thì trước hết phải giác ngộ cách mạng cho thanh niên và từ thức tỉnh thanh niên để thức tỉnh dân tộc. Trong thư Gửi thanh niên Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ, thanh niên Việt Nam có khả năng cách mạng to lớn, là lực lượng cứu nguy dân tộc. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người đã viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Sau lời cảm thán đượm buồn đó vẫn toát lên một hi vọng: vận mệnh dân tộc, sự tồn vong của đất nước tùy thuộc vào ý chí và nghị lực của thế hệ trẻ. Ở Đông Dương, chúng ta dường như có tất cả những cái mà một dân tộc mong muốn: rừng vàng, biển bạc…nhưng chúng ta đang thiếu tổ chức thiếu người tổ chức. Vì vậy, Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, thức tỉnh thanh niên mà còn trực tiếp đến với họ, tổ chức, dẫn dắt họ vào con đường đấu tranh.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều di sản quý báu, những tư tưởng, những lời dạy sâu sắc đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam. Có thể tóm lược lại một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã viết những lời thiết tha trong Thư gửi các học sinh cả nước nhân ngày khai trường (9-1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán 1946, Người đã dành những lời đẹp nhất để ca ngợi tuổi trẻ và vai trò của lớp trẻ: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong Thư gửi các bạn thanh niên năm 1947, Người lại viết: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”. Thanh niên chính là cầu nối giữa các thế hệ: kế tục sự nghiệp của lớp người đi trước, đồng thời là người bồi dưỡng, dìu dắt thế hệ tương lai, là người xung phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao khả năng cách mạng và những cống hiến to lớn của thanh niên đối với tương lai của đất nước. Thanh niên bao giờ cũng là lớp người hăng hái, nhiệt tình, luôn đi đầu trong mọi khó khăn: Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò, sức mạnh của thanh niên không phải là cái có sẵn, bất biến và tất yếu. Muốn huy động sức trẻ, Đảng, Nhà nước phải thực hiện thành công chiến lược trồng người, thực hiện lời dạy của Bác: “Vì sự nghiệp mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Trồng người” xét về khía cạnh nào đó cũng giống như trồng cây. Nếu trồng cây phải chăm lo, vun xới mầm cây nhỏ bé, yếu ớt để nó phát triển thành cái cây khỏe mạnh, có ích cho đời thì “trồng người” cũng phải bắt đầu bằng việc dạy dỗ, uốn nắn, giáo dục từ khi còn thơ ấu.

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc chăm sóc, bồi dưỡng thế hệ trẻ

Sự nghiệp đấu tranh cách mạng nhằm biến xã hội cũ xấu xa, bất công và phi nhân tính thành một xã hội mới, tốt đẹp và công bằng cho tất cả mọi người là một quá trình đầy cam go, thử thách. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, có độc lập, tự do mà nhân dân vẫn chết đói, chết rét thì độc lập, tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì; nhân dân chỉ hiểu rõ giá trị của độc lập, tự do khi họ được ăn no, mặc ấm… Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đem lại cho nhân dân tất thảy những quyền con người hết sức tự nhiên và chân chính ấy. Nhưng, chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có ngay, mà chỉ có thể là kết quả của cuộc đấu tranh rất bền bỉ của con người. Vì vậy, xây dựng thế hệ những chủ nhân tương lai của đất nước phải là một nhiệm vụ chiến lược, đi trước một bước so với xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mục đích của việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ là đào tạo ra những con người mới, những cán bộ, chiến sỹ cách mạng kiên cường đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Vai trò, sức mạnh, khả năng của thanh niên ta đã dược thử thách trong lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước, nhưng điều đó không phải là bất biến. Các thế hệ lớn lên sau cách mạng có nối tiếp được lý tưởng và đi tiếp được con đường mà cha anh đã lựa chọn hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là sự chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau và sự nêu gương về lý tưởng và đạo đức của thế hệ đi trước. Sự nghiệp cách mạng, sứ mệnh của Đảng thì lâu dài mà cuộc đời của mỗi thế hệ thì ngắn ngủi. Vì thế, Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”, đó là việc rất quan trọng và cần thiết

Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đối với công tác thanh niên. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Người đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên, rồi đến Nha Thanh niên trong Chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Bác luôn nhắc nhở các bộ, các ngành ban hành những chính sách nhằm giải quyết những vấn đề thuộc lợi ích nguyện vọng chính đáng của thanh niên; tổ chức Đoàn thanh niên phải liên hệ với các lực lượng của Chính phủ. Cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự tổ chức phối hợp nhiều lực lượng của xã hội trong việc giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

Ba là, trong nội dung bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Bác Hồ đặt lên hàng đầu vấn đề bồi dưỡng lý tưởng và đạo đức cách mạng.

Muốn làm tròn trọng trách người chủ tương lai của đất nước, thế hệ trẻ phải được giáo dục, bồi dưỡng một cách thường xuyên và toàn diện. Có như vậy, họ mới hội đủ các phẩm chất, năng lực cần thiết, cả về trí tuệ lẫn bản lĩnh chính trị, cả về nhân cách, đạo đức lẫn sức khỏe, để đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ, nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng chứa đựng nhân sinh quan và giá trị quan hết sức sâu sắc đối với việc xác lập nhân cách, lý tưởng cũng như chuẩn mực lối sống cho thế hệ trẻ. Đạo đức cách mạng là đạo đức mới, là phẩm chất không thể thiếu và là cái gốc của con người xã hội chủ nghĩa.

Nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính. Những phẩm chất này giống như bốn mùa của trời đất; nếu thiếu một trong bốn phẩm chất đó thì con người không thể trở thành người theo đúng nghĩa. Nhưng, đạo đức cách mạng không phải là cái có sẵn, không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người. Do vậy, Người cho rằng, đối với thế hệ trẻ, phải luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng: thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; sống trong sạch, có chí tiến thủ và đoàn kết, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; phê phán những thói hư, tật xấu; thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình… để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Bên cạnh bồi dưỡng đạo đức, cần phải bồi dưỡng tri thức lý luận và văn hóa, khoa học – kỹ thuật: Theo Người, thanh niên phải vừa có đức, vừa có tài. Bởi vì, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó; người có tài mà không có đức sẽ trở nên vô dụng. Hơn nữa, chính sự dốt nát là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển. Vì vậy, để trở thành người có trí tuệ, có tri thức, tức là có tài, bên cạnh việc trau dồi đạo đức cách mạng, thanh niên còn phải hăng hái học tập, trong đó có học tập lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nghiên cứu, học tập lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nhằm trang bị và nâng cao trình độ lý luận cách mạng – ngọn đèn pha soi sáng cho hoạt động thực tiễn.

Cùng với việc học tập lý luận cách mạng, các thế hệ trẻ còn phải tích cực học tập văn hóa, khoa học – kỹ thuật…; sử dụng những tri thức đó để xây dựng xã hội mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhiệm vụ này quan trọng hơn bao giờ hết, bởi chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu.

Bốn là, về phương thức, phương pháp bồi dưỡng cho thế hệ trẻ.

Phương thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng thanh niên phải xuất phát từ nội dung, yêu cầu của sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, mặt khác phải xuất phát từ đặc điểm tâm lý, tính cách của lứa tuổi thanh niên để có cách vận dụng cho đúng.

Muốn giáo dục thanh niên, trước hết phải hiểu thanh niên. Sau đó, đưa thanh niên vào rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Các thế hệ đi trước phải nêu gương mẫu mực cho thanh niên noi theo. Bên cạnh đó, phải đề cao quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của thanh niên, coi đó là một phương pháp rèn luyện hàng ngày của mỗi cá nhân. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực về tự giáo dục, rèn luyện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Chính Người đã đặt nền tảng cho khoa học giáo dục Việt Nam nói chung và khoa học vận động, giáo dục thanh niên nói riêng. Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc Người, nhiều thế hệ cách mạng đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn vào sự phát triển của dân tộc. Họ đã chiến đấu và chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội; đã và đang tích cực ‘xây dựng lại đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn’, như mong ước cháy bỏng của Người trước khi từ biệt thế giới này.

2. Sự vận dụng của tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới

Trong thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện thanh niên, quan tâm đến những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của tuổi trẻ, từ đó đề ra những chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể cho đoàn viên, thanh niên được rèn luyện, lao động, học tập, được phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và sức trẻ của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, cùng với những thành tựu quan trọng và to lớn của đất nước, công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh niên đã góp phần tạo dựng nên một lớp thanh niên mới, trong đó có bộ phận thanh niên tiên tiến đi đầu trên nhiều lĩnh vực, có thái độ, nhận thức tốt và ý thức chính trị cao, có ý chí vượt qua khó khăn, vươn lên lập thân, lập nghiệp, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 14- 5- 2011 Bộ Chính trị khoá XI ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp theo đó, tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung chủ yếu mà hai Chỉ thị đều nhấn mạnh đó là ‘Coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp có biện pháp cụ thể để tổ chức, chỉ đạo thực hiện hiện tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tấm gương đạo đức Bác Hồ’. Các cấp ủy, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể về giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Bác Hồ. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động các phong trào thanh niên làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, tổ chức các hình thức đa dạng, phong phú, lôi cuốn thanh niên.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun trồng. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình. Họ đang ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học – công nghệ, để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thành công những mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác bồi dưỡng, giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.


Minh Phượng (Trường Chính trị tỉnh Kon Tum)


Tin liên quan