A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đi bầu cử là thực hiện quyền làm chủ của công dân

Tham gia bầu cử, người dân Việt Nam không chỉ thực hiện quyền dân chủ mà còn thực hiện nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị đối với đất nước. Lá phiếu bầu của các cử là biểu hiện sinh động niềm tin của nhân dân với Đảng cộng sản Việt Nam, với thể chế chính trị được hiến định trong Hiến pháp.

Ảnh minh họa

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực Nhà nước từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam nói riêng. Tham gia ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua việc bầu cử này, nhân dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Đối với mỗi cử tri, việc đi bầu cử là quyền lợi, đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Còn nhớ, trong dịp Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “mỗi lá phiếu như viên gạch đặt nền móng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh”. Trên tinh thần tổng tuyển cử năm 1946, cho đến các kỳ bầu cử Quốc hội sau này,  Đảng, Nhà nước vẫn luôn đề cao việc phát huy tinh thần, ý chí làm chủ của người dân. Luật pháp nước ta đã quy định đi bầu cử không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Quyền là bầu ra những người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực của nhà nước. Còn nghĩa vụ là lựa chọn ra người thực sự xứng đáng, thực sự tiêu biểu để bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước thay mặt mình quyết định những vấn đề thuộc về Luật pháp, chủ trương chính sách, phát triển kinh tế-xã hội.

Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp. Ngày 23/5/2021, cử tri Việt Nam sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mỗi lá phiếu không chỉ là minh chứng cho quyền công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ mà còn thể hiện lòng tin, sự gửi gắm trách nhiệm của hàng triệu cử tri cả nước đối với những người được bầu.

Thông qua lá phiếu của mình, mỗi cử tri góp phần xây dựng Nhà nước ngày càng vững mạnh. Cũng qua lá phiếu để bày tỏ tình yêu đất nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết xây dựng và phát triển đất nước.

Một Nhà nước tổ chức bầu cử thật sự phát huy dân chủ đồng thời cử tri ý thức quyền dân chủ của mình và quyền làm chủ của mình để thông qua lá phiếu lựa chọn đại biểu xứng đáng đại diện cho nhân dân, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do dân chủ, quyền trực tiếp và gián tiếp của người dân trong xây dựng chính quyền. Trực tiếp cầm lá phiếu để bầu ra người thay mặt cho chính mình tham gia vào chính quyền địa phương và bộ máy nhà nước, đó là bầu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Toàn dân nô nức đi bầu cử để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng nhà nước, xây dựng chính quyền. Khi quyền dân chủ trong ứng cử và bầu cử được phát huy, cử tri sẽ bầu được những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Đó là cơ sở quan trọng và quyết định để Việt Nam thực hiện mục tiêu tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Không ai có thể phủ nhận ở Việt Nam, việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc dân chủ trong bầu cử đã giúp tập hợp, phát huy tinh hoa của dân tộc trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kịp thời phát hiện các biểu hiện thiếu lành mạnh trong quá trình vận hành của bộ máy công quyền. Ðây là cơ sở giúp thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt những thành tựu đáng tự hào về mọi mặt. Sự thật hiển nhiên, sinh động ấy là câu trả lời xác đáng đối với các luận điệu, thủ đoạn chống phá của những kẻ lợi dụng dân chủ để xuyên tạc bản chất xã hội. Vì thế, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp không chỉ là thể hiện ý thức về dân chủ, mà còn thể hiện cả niềm tin vào tính ưu việt của cơ chế “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, và thực hiện quyền bầu cử là một nỗ lực để mỗi người cùng với mọi người phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hoài Nhung