A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KON TUM – VÙNG ĐẤT ANH HÙNG

 

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.676,5km2. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam (chiều dài ranh giới 142 km); phía Nam giáp tỉnh Gia Lai (203km); phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi (74km); phía Tây giáp tỉnh A-tô-pư, Xê Kông (Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), có chung đường biên giới dài 280,7km. Phần lớn địa hình tỉnh Kon Tum nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn nên địa hình của tỉnh có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi và cao nguyên chiếm phần lớn diện tích của tỉnh, xen kẽ là những thung lũng và bình nguyên tương đối bằng phẳng. Hệ thống sông suối trong tỉnh hình thành mạng lưới dày đặc, lớn nhỏ và hướng chảy khác nhau, có tiềm năng lớn về thủy điện như Pô Kô, Đắk Bla, Đăk Re, Kon Xlak, Măng Cành, Sê San… Một số công trình thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh đã hòa vào hệ thống điện lưới quốc gia như Ya Ly, Plei Krông, Sê San… phục vụ lợi ích kinh tế của đất nước và của địa phương.

Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh. Quốc lộ 14 (hiện nay là một phần của tuyến đường Hồ Chí Minh), con đường chiến lược Trường Sơn, chạy từ thành phố Đà Nẵng qua Kon Tum về Gia Lai vào thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua Kon Tum là huyết mạch giao thông nối liền hầu hết thị trấn ở các huyện với khu trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của tỉnh; quốc lộ 24 nối liền Kon Tum với Quảng Ngãi; quốc lộ 40 từ Ngọc Hồi – Kon Tum đi thị xã Atôpư (Lào) là đầu mối giao lưu quan trọng không chỉ của Kon Tum với các tỉnh Nam Lào và Đông bắc Campuchia, mà còn là đầu mối giao lưu của nước ta với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Nơi đây có cửa khẩu quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi – Kon Tum) nằm ở ngã ba Đông Dương mở ra nhiều triển vọng trong giao lưu, hợp tác quốc tế.

Nằm trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, gắn chặt với các đặc trưng về địa lý, tự nhiên tạo cho tỉnh Kon Tum có tầm quan trọng chiến lược cả về chính trị, kinh tế và an ninh-quốc phòng. Từ nửa cuối thế kỷ XIX về trước, trong toàn vùng Tây Nguyên nói chung, Kon Tum nói riêng tồn tại một hình thức xã hội phổ biến duy nhất là Làng với sự quản lý, điều hành của Già làng (hoặc Hội đồng già làng). Đến những năm nửa cuối thế kỷ XIX, cùng với quá trình truyền đạo Công giáo lên Kon Tum, năm 1893, thực dân Pháp đặt Tòa đại lý hành chính đầu tiên tại Kon Tum do cố đạo Vanlơtông (Vialleton) cai quản.

Ngày 09/02/1913, thực dân Pháp chính thức thành lập tỉnh Kon Tum bao gồm Đại lý hành chính Kon Tum, tách ra từ tỉnh Bình Định, đại lý hành chính Cheo Reo, tách ra từ tỉnh Phú Yên và đại lý Buôn Mê Thuột. Đây là ngày được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chọn là ngày thành lập tỉnh Kon Tum.

Tháng 8/1945, cùng khí thế tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn quốc, ngày 25/8/1945, dưới sự ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Từ tháng 8/1945 đến tháng 6/1946, chính quyền cách mạng được xây dựng và củng cố khắp toàn tỉnh. Tỉnh lúc này có 03 huyện là ĐắkTô, ĐắkGlei, KonPlong và thị xã Kon Tum.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, tỉnh Kon Tum được sát nhập và chia tách cho phù hợp với tình thế cách mạng, cụ thể: Từ 1946 đến trước tháng 8/1947, tỉnh Kon Tum thuộc Xứ ủy Trung Kỳ; Tháng 1/1947, tỉnh Kon Tum thuộc Phân khu 15 (gồm tỉnh Kon Tum và miền tây Quảng Nam, Quảng Ngãi) được thành lập do đồng chí Võ Bẩm làm Phân khu trưởng. Tháng 8/1947, tỉnh Kon Tum trực thuộc Khu 15 Tây Nguyên do đồng chí Bùi San làm Bí thư kiêm Chính ủy lực lượng vũ trang; Tháng 3/1950, tỉnh Kon Tum sát nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Kon. Tỉnh Gia Kon chia địa bàn quản lý trong tỉnh thành 07 khu. Phạm vi tỉnh Kon Tum cũ có 03 khu: Khu 1 (Đắk Glei), Khu 2 (Đắk Tô), Khu 3 (Kon Plong); Đầu năm 1954, tỉnh Kon Tum chia địa bàn quản lý thành 09 khu (từ khu 1đến khu 9). Đến tháng 4/1954, giải thể khu 5 nhập vào khu 4 và khu 6; Tháng 8/1954, tỉnh Gia-Kon tách ra thành hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, theo chỉ đạo chung của Đảng, trực tiếp là Liên khu ủy khu V, Ban cán sự Đảng tỉnh Kon Tum được sắp xếp gọn lại và rút vào hoạt động bí mật. Tháng 10/1955, tỉnh Kon Tum trực thuộc sự chỉ đạo của Liên tỉnh 4, gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Toàn tỉnh có 06 khu (khu 1, 2, 3, 4, 6, 7). Đến đầu năm 1957 thành lập thêm khu 8 và khu 9. Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh (tháng 3/1960), Tỉnh ủy quyết định giải thể các khu, thành lập các huyện và gọi tên huyện theo mật danh, gồm: H16 (nay là huyện Kon Rẫy), H29 (nay là Kon Plong), H80 (nay là Đắk Tô và Tu Mơ Rông), H30 (nay là đông huyện Đắk Glei), H40 (nay là tây huyện Đắk Glei), H67 (nay là huyện Sa Thầy và một phần huyện Ngọc Hồi). Đầu năm 1961, khu vực thị xã Kon Tum được đặt tên theo mật danh H5. Năm 1969, thành lập huyện H9 (nay là huyện Đắk Hà và một số vùng của thành phố Kon Tum). Đến năm 1972, giải thể huyện H9 nhập về H80 và H16.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tỉnh Kon Tum được sát nhập vào tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum (10/1975). Phần địa bàn tỉnh Kon Tum sau khi nhập chung với tỉnh Gia Lai có các huyện: Đắk Tô (H80 và phần lớn H67), Kon Plong (H16 và H29), Đắk Glei (H30 và H40), thị xã Kon Tum (H5 và một phần H67). Đến ngày 10/10/1978, theo Quyết định số 254-CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Đắk Tô được chia thành 02 huyện là Đắk Tô và Sa Thầy. Đến ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (khóa VIII) quyết định chia tách tỉnh Gia Lai – Kon Tum thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tỉnh Kon Tum được tái thành lập, có 05 đơn vị hành chính cấp huyện là: thị xã Kon Tum, huyện Đắk Tô, Đắk Glei, Sa Thầy, Kon Plong.

Qua quá trình chia tách, tính đến nay tỉnh Kon Tum có 10 đơn vị hành chính, gồm 09 huyện (Kon Plong, Kon Rẫy, Sa Thầy, Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Glei, Tu Mơ Rông, Ia H’Đrai) và 01 thành phố (thành phố Kon Tum) với 102 xã, phường, thị trấn. Tỉnh lỵ đóng tại thành phố Kon Tum.

Trải qua quá trình lịch sử, đến nay Kon Tum là nơi hội tụ nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Mâm, Kinh và một số dân tộc thiểu số khác từ miền núi các tỉnh phía Bắc nước ta mới di cư sau này. Tính đến cuối năm 2013, dân số tỉnh có 113.820 hộ, 480.709 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số bản địa (Xơ Đăng, Ba Na, Jẻ Triêng, Gia Rai, Brâu, Rơ Măm…) chiếm khoảng 53,6% dân số toàn tỉnh, với các đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội truyền thống của cư dân các dân tộc Tây Nguyên. Từ khi Tổ quốc thống nhất (1975) đến nay, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được đổi mới, phát triển, có sự tiếp thu, giao lưu với nhau giữa cộng đồng cư dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Khối cư dân bản địa gồm 6 tộc người đã sinh sống lâu đời ở Kon Tum, bao gồm Gia Rai, Ba Na, Xơ đăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm. Trong 6 tộc người bản địa ở Kon Tum, số lượng dân cư rất chênh lệch. Có 2 tộc người trên 6 vạn dân là Ba Na, Xơ đăng; 2 tộc người dưới 4 vạn (Gia Rai, Giẻ Triêng), đặc biệt có 2 tộc người có dân số chỉ trên 500 người, chiếm tỷ lệ 0,09%, bao gồm tộc người Rơ Măm và Brâu, đây cũng là hai dân tộc duy nhất chỉ có ở tỉnh Kon Tum trong 54 dân tộc ở Việt Nam. Hai dân tộc này đã và đang được sự quan tâm ưu đãi đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội. Bên cạnh các tộc người bản địa, ở Kon Tum còn có khối dân cư chuyển đến với nhiều luồng chuyển cư qua các thời kỳ. Khối này bao gồm: người Kinh và 21 DTTS ở nơi khác di cư như: Tày, Nùng, Mường, Thái, Cơ Tu, Cờ Ho, Hoa, Khơ me… cư trú khắp địa bàn Kon Tum.

Kon Tum hiện có 04 tôn giáo lớn là Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài, với hơn 200.000 tín đồ. Trong đó, đạo Công giáo xuất hiện ở Kon Tum từ nửa cuối thế kỷ XIX, gắn liền với hoạt động truyền đạo và cai quản của các giáo sĩ người Pháp. Đời sống tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt văn hóa, xã hội, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lợi dụng các đặc điểm về dân tộc, tôn giáo, các thế lực thù địch và bọn phản động luôn tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của chúng đối với Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng.

Cùng với truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và bất khuất. Với hòa ước năm 1884, triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp, biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã sử dụng bọn tay sai đội lốt giáo sĩ mở đường lên Kon Tum để truyền đạo, lập ra các hội thánh trá hình để cai trị và sau đó là sự chiếm đóng của quân đội Pháp. Tuy nhiên, bọn chúng đã vấp phải sự kháng cự và chống đối quyết liệt của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Mở đầu là cuộc đấu tranh tự phát của các nhóm người Xê Đăng đánh vào nơi có bọn gián điệp đội lốt tu sĩ, cha cố hoạt động. Sau đó, hưởng ứng phong trào Cần Vương, đồng bào Ba Na ở Kon Plong và Xê Đăng đã phối hợp với đồng bào H’re, Ba Na ở Quảng Ngãi, Bình Định nổi dậy đánh Pháp ở miền đông Kon Tum. Trong giai đoạn 1900-1909, nghĩa quân Xê Đăng do Thâu-Mân lãnh đạo, tiêu diệt binh lính Pháp ở Phòng Xá, đồn Đắk Tô; nghĩa quân do IRơ chỉ huy đã phối hợp với nghĩa quân Bacsắc, Savanakhét, Atôpư (Lào) san bằng đồn Pháp ở ngã ba sông Đăka, Đăko, bao vây đồn Đăk Re, phục kích, tiêu diệt nhiều binh lính khi chúng tiến hành càn quét, cướp bóc nhân dân; ông Brô đã chỉ huy một toán quân đánh đồn Đắk Tô và bức rút đồn Kon Tum, giết tên đồn trưởng Robert và 02 sĩ quan khác là Henri và Siege để chống việc bắt đi phu xây đồn điền và các cuộc đấu tranh chống cướp đất, lập đồn điền của người Ba Na, đấu tranh đòi giảm thuế của người Kinh… gây cho Pháp những tổn thất và làm chúng hoang mang, lo sợ. Vì vậy, đến năm 1913, thực dân Pháp mới thiết lập được chế độ cai trị ở tỉnh Kon Tum.

Tuy lập được chế độ cai trị nhưng chúng không thể dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong những năm 1925-1930, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi. Nhiều cuộc nổi dậy của đồng bào Ba Na, Gia Rai liên tiếp nổ ra để chống cướp đất, lập đồn điền, chống sưu thuế. Ở phía Tây Bắc, đồng bào Xê Đăng cùng nổi lên chống bắt đi phu, dời làng làm đường 14 đi Đắk Tô, Đắk Sút của địch… gây ra cho thực dân Pháp những khó khăn, tổn thất nhất định.

Ngày 25/9/1930, những người yêu nước, các chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp bắt trong cao trào Xô viết-Nghệ Tĩnh (1930-1931) đày lên nhà lao Kon Tum đã tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho những ông cai, ông đội trong nhà ngục và thành lập ra chi bộ đảng cộng sản trong binh lính nhà lao Kon Tum, do đồng chí Ngô Đức Đệ làm bí thư. Đây là chi bộ đảng cộng sản đầu tiên được thành lập ở tỉnh Kon Tum và Đảng bộ tỉnh Kon Tum lấy ngày 25/9/1930 là ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh. Đến đầu năm 1931, chịu ảnh hưởng của chi bộ binh, chi bộ đường phố thị xã được thành lập. Ngay sau khi được thành lập, hai chi bộ đã tích cực hoạt động để tuyên truyền về lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác-Lênin, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, các hoạt động đó của hai chi bộ đã bị địch phát hiện, đàn áp và nhanh chóng bị tan rã. Phong trào cách mạng ở tỉnh tạm thời lắng xuống nhưng tinh thần và ý chí của những người cộng sản không hề bị khuất phục, vẫn tiếp tục hoạt động để khôi phục phong trào. Từ trong nhà lao, những người tù chính trị cộng sản ở các nơi bị thực dân Pháp đày lên nhà lao Kon Tum đã tổ chức cuộc đấu tranh lưu huyết (12/12/1931) và cuộc đấu tranh tuyệt thực (16/12/1931) để giữ vững khí tiết, phản đối chế độ lao tù hà khắc, giác ngộ tinh thần yêu nước và lý tưởng cộng sản trong quần chúng nhân dân.

Những hoạt động của tù chính trị cộng sản, việc thành lập chi bộ cộng sản trong binh lính địch và sự ra đời của chi bộ đường phố ở thị xã Kon Tum tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng đã có ảnh hưởng rất lớn trong phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc ở tỉnh, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân, nhân tố cơ bản để làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Cách mạng tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lần lượt đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từng bước làm thất bại các âm mưu, hoạt động can thiệp, phá hoại của các thế lực thù địch, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ  quốc. Phấn đấu thi đua sản xuất, xây dựng quê hương, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng được thành lập, các tổ chức đầu tiên của lực lượng công an ra đời ở cả 03 miền Bắc – Trung – Nam. Ty Công an Kon Tum cũng được thành lập, được Đảng lãnh đạo và rèn luyện; được nhân dân tin yêu, đùm bọc và giúp đỡ; các cấp, các ngành và đoàn thể phối hợp, ủng hộ, Công an Kon Tum đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, lập nhiều chiến công xuất sắc trên mặt trận đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.


Duy Hòa