A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong tình hình mới

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội (2011), xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống quan điểm lý luận và phương pháp khoa học của C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin là lý luận cách mạng của quần chúng nhân dân lao động, nhất là giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, là khoa học về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ, Đảng ta rất coi trọng công tác tư tưởng, lý luận. Bởi vì công tác tư tưởng, lý luận có quan hệ trực tiếp đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, mục tiêu, lý tưởng của cách mạng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ, động viên tinh thần sáng tạo cách mạng của Nhân dân; đấu tranh chống các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người mới XHCN; quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế. Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “ Công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng. Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sang tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng” [1].

Trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội luôn tìm mọi cách thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhằm làm mất ổn định chính trị- xã hội, tạo điều kiện để chống phá đất nước ta từ bên trong. Các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội luôn lợi dụng các thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, điều hành của Nhà nước, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên để gây ra các dao động về tư tưởng, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Các chiêu bài như xuất bản, tán phát các loại ấn phẩm, tài liệu của các cá nhân, tổ chức lưu vong, số đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước, các trang web, các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Việt có nội dung chống đối, xuyên tạc sự thật luôn được sử dụng để chống phá Đảng, Nhà nước gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguy hiểm hơn hiện nay các tổ chức phản động còn triệt để sử dụng mạng xã hội, tận dụng các “điểm nóng” về chính trị- xã hội để tuyên truyền lôi kéo, tán phát các nội dung nhằm chống Đảng, Nhà nước. Và thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân đã bị các thông tin trên làm lung lay, tin vào các thông tin mà các tổ chức phản động đưa ra để tán phát, chia sẻ các nội dung sai trái. Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp gây ra hậu quả nghiêm trọng cho đất nước ta đòi hỏi sự đoàn kết. Phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân để đẩy lùi dịch bệnh thì các thế lực thù địch các “nhà dân chủ” lại ở nhà gõ phím soi mói, xuyên tạc, tung các thông tin sai sự thật về cách thức, quyết sách chống dịch của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Mục đích của những hoạt động chống phá đó là phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh và trong công cuộc xây dựng đất nước gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong tình hình mới cần tiến hành có hiệu quả một số giải pháp như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn thể nhân dân về giá trị của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dụng đất nước làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để làm được điều đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) nhằm nâng cao khả năng chủ động đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện được các âm mưu thâm hiểm của các thế lực thù địch, nhận diện các thông tin sai sự thật; giáo dục ý thức trong sử dụng Internet, mạng xã hội một cách hiệu quả, thiết thực, văn hóa và lành mạnh. Các cơ quan chức năng, báo chí đẩy mạnh đăng tải bài viết, tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền giá trị to lớn của Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, kịp thời phản biện, phản bác với các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch về nền tảng tư tưởng của Đảng. Các bài viết có nội dung phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc cần được chia sẻ rộng rãi cho quần chúng nhân dân để quần chúng nhân dân hiểu và không bị các thông tin sai trái làm mất định hướng, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch từ đó đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Chủ động phát hiện các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch thông qua các trang web, các diễn đàn, các trang, hội nhóm của mạng xã hội. Tiến hành công tác quản lý, kiểm duyệt các nội dung trên các trang web, các nền tảng ứng dụng mạng xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nội dung không đúng sự thật, các nội dung chống phá, kích động quần chúng nhân dân. Xây dựng lực lượng chuyên trách, phát huy vai trò của các Chi bộ cơ sở, người đứng đầu trong công tác đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá, các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường xuyên tiến hành công tác đào tạo, tập huấn nhận diện các âm mưu của các thế lực thù địch trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân.

Phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch. Thường xuyên bám sát định hướng chỉ đạo, hướng dẫn trong các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với công tác đấu tranh phòng chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp công tác cụ thể đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện tốt  Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các Chi bộ, đơn vị cơ sở cần chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Các Chi bộ, đơn vị cơ sở cần căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, cơ quan mình để xây dựng, lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vào công tác sinh hoạt tại đơn vị. Các tổ chức chính trị- xã hội cần phát huy vai trò xung kích của mình trong đấu tranh với các luận điệu sai trái thông qua các buổi tuyên truyền, sinh hoạt. Thường xuyên xây dựng, đổi mới các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tình hình thực tế tránh cứng ngắc, ra rời quần chúng nhân dân.

Thái Tôn

  1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tr.165