Vào lăng viếng Bác
Ngày 2/9 năm nay, tròn 45 năm ngày Bác mãi mãi đi xa và cũng là 45 năm ngày toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện Di chúc của Người, tôi lại không khỏi bùi ngùi xúc động, xen lẫn tự hào khi nhớ ngày được vào Lăng viếng Bác, được đứng tại địa danh mà 69 năm trước Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa người dân từ thân phận nô lệ, thành người tự do, làm chủ đất nước
Thỏa niềm ao ước bấy lâu, mới đây, tôi có dịp được vào Lăng viếng Bác. Nhìn “dòng người đi trong thương nhớ” nối dài tưởng như vô tận, lặng lẽ, nghiêm trang, thành kính nhích dần từng bước, tôi hiểu rằng Lăng Bác đã trở thành nơi hội tụ của muôn triệu tấm lòng và niềm tin. Dù Bác đã đi xa nhưng công lao của Bác, hình ảnh của Bác vẫn sống mãi cùng đất nước, cùng thời gian…
Vẫn “Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa/ Có hồ nước lặng sôi tăm cá/ Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa”; vẫn hàng tre ngà, vẫn rào dâm bụt đỏ, vẫn “nhà gác đơn sơ”, vẫn “Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn”… mà tôi đã từng được nghe kể, được đọc qua sách, báo, qua những bài thơ, mẫu chuyện kể… về Người. Thế nhưng, được trực tiếp vào Lăng viếng Bác, được “Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ” đã để lại trong tôi vô vàn những cảm xúc. Đó là sự thành kính với Người đã trọn đời hy sinh, trọn đời đau đáu “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân tộc được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; đó còn là cảm giác thanh thản, bình yên, cảm giác được chở che trước một Nhân cách lớn – vị cha già kính yêu của dân tộc: “Tất cả thanh niên Việt Nam đều là con tôi”, “Tôi đã hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi!”…
Trong dòng người về Lăng viếng Bác, tôi bắt gặp từ những em bé mới vài ba tuổi, những thanh thiếu niên đến những cụ già râu tóc bạc phơ, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh trên ngực lấp lánh những huân, huy chương, rồi người Việt Nam ở nước ngoài và cả bè bạn quốc tế khắp các châu lục. Trong số họ, có người đã vào Lăng viếng Bác một đôi lần, thậm chí rất nhiều lần, nhưng cũng có người chỉ mới đến lần đầu; có người vượt qua “nửa vòng trái đất, rẽ tầng mây”, có người từ miền Nam lặn lội cả ngàn cây số để một lần được viếng Bác, có người ở ngay Thủ đô Hà Nội và viếng Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của họ… Tất cả đều có một điểm chung là họ vào Lăng viếng Bác bằng tất cả tình cảm thiết tha, sự thành kính và xúc động.
Nối thành hàng dài nghiêm trang, thành kính, nhẹ bước qua nơi Bác nằm nghỉ, tôi và cả nhiều người nữa cứ muốn dừng chân lại ngắm thật lâu vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc; để chiêm nghiệm những lời dặn dò của Bác và soi rọi lại bản thân mình những việc đã làm được, chưa được… Người nằm đó, thanh tịnh, ung dung, trong bộ ka ki quen thuộc, gương mặt hồng hào như vừa trải qua một ngày làm việc, giờ đang yên giấc ngủ dài.
Được vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn, ao cá, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh rồi vòng ra phía trước thăm quảng trường Ba Đình lịch sử; được nghe, được xem và được nhìn những tư liệu quý giá về 15 năm cuối cùng trong cuộc đời Bác, quả thật, bản thân tôi đã không giấu được niềm xúc động. Đây chính là cơ hội để tôi được tiếp cận gần nhất với những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ; qua đó, được học tập một cách trực quan nhất, sinh động nhất về tấm gương đạo đức, cũng như nhân cách cao đẹp và đức hy sinh của Người. Để rồi, mỗi người – trong đó có tôi hiểu rằng cần phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, biết phấn đấu, biết cố gắng vươn lên trong học tập, lao động.
BOX: Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”. 20 giờ ngày 18/7/1975, thi hài Bác từ K9 được đón về Lăng của Người tại thủ đô Hà Nội sau 6 năm kể từ ngày Bác đi xa; và, đến ngày 29/8/1975, lễ khánh thành Lăng Bác đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. N.P
Phúc Nguyên (CTV)