Lên mạng nhờ lấy lại tiền bị lừa đảo, nhiều người đắng cay thì tiếp tục "sập bẫy"
Thời gian gần đây, không chỉ nở rộ các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội mà còn có hình thức "thừa nước đục thả câu", đánh vào tâm lý hoang mang của những người vừa bị mất tiền. Các đối tượng xấu đã đóng vai luật sư, nhân viên ngân hàng, kỹ sư công nghệ thông tin cung cấp "dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa" nhưng thực chất là để đưa nạn nhân "vào tròng" thêm một lần nữa.
Nhan nhản dịch vụ "lấy lại tiền bị lừa đảo" trên Facebook
Mẫu quảng cáo lấy lại tiền của các luật sư “dỏm”
Đánh vào tâm lý muốn lấy lại số tiền đã mất sau khi bị lừa đảo, các đối tượng đã lập ra nhiều hội nhóm hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, sử dụng phần mềm phát tán các tin nhắn do chính chúng tạo ra, bình luận về các vụ thu hồi tiền bị lừa đã được giải quyết để tạo lòng tin cho các nạn nhân, tiếp đó dẫn dụ họ lạc vào mê cung của nhiều màn kịch lừa đảo khác nhau.
Chỉ cần gõ cụm từ “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo” trên thanh tìm kiếm của facebook, hàng chục hội nhóm, fanpage liên quan với vài chục nghìn thành viên sẽ hiện ra. Những hội nhóm này công khai quảng cáo giúp lấy lại tiền đã bị lừa bằng các hình thức phổ biến trên không gian mạng, như: mạo danh công an, làm cộng tác viên qua các sàn thương mại điện tử...
Tại đây, các đối tượng công khai đăng quảng cáo hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo chuyển khoản, hay tiền chốt đơn trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán,... "Muốn thu hồi tiền về tài khoản thì chủ động nhắn tin cho em để có cách xử lý; Uy tín, đảm bảo giải ngân trong ngày; Thủ tục đơn giản, chi phí thấp;...", một đối tượng trong nhóm đăng tin chào mời.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng có thể sẽ mạo danh là luật sư, kiểm sát viên hay nhân viên bộ phận tài vụ của một ngân hàng lớn,... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc "mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền". Thông qua những lời dụ dỗ về việc "đặt cọc" hay "tạo lỗ hở hệ thống" để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng 1 khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó, ví dụ bị lừa 100 triệu thì cần phải gửi 10 - 20% của số tiền, tức là 10 - 20tr. Thấy số tiền này chỉ là 1 phần nhỏ trong số tiền bị mất, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền. Tuy nhiên sau khi chuyển thì nạn nhân bị khóa chặn liên lạc, số tiền bị mất lần 1 không những không lấy lại được mà số tiền chuyển cho các đối tượng nhờ lấy lại tiền cũng bị lừa.
Ngoài ra, người dân khi liên lạc để được hỗ trợ thì các đối tượng cũng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân gồm: Số tiền đã bị treo; số tài khoản ngân hàng; số căn cước công dân; Họ và tên; Số tài khoản dẫn đến tình trạng các đối tượng lừa đảo thu thập được nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân như số tài khoản ngân hàng, họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ email,... từ đó tạo điều kiện cho chúng thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Nạn nhân bị lừa đảo cần tỉnh táo
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.
Khi là nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì trước tiên người dân cần phải bình tĩnh và hết sức tỉnh táo, vì chỉ có thể dựa vào các cơ quan chức năng để tìm ra đối tượng lừa đảo và đòi lại tài sản. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Người dân cũng cần đặc biệt lưu ý cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, kiểm soát những thông tin khi đưa lên mạng; Khi bất ngờ nhận được một đường link về khuyến mãi hấp dẫn qua email, hãy kiểm tra kỹ trước khi click mở, so sánh địa chỉ trang web đang được chuyển hướng với các trang web chính thống, chỉ truy cập và cung cấp thông tin cho những website có chứng chỉ bảo mật https; Đặt câu hỏi xem sự việc đang diễn ra có hợp lý không trước khi chuyển tiền cho các đối tượng chưa bao giờ gặp mặt; Giữ thói quen luôn kiểm tra mọi thông tin, yêu cầu, nhất là liên quan đến tiền bạc, cho dù là từ người thân hay bạn bè.
Ngoài ra, người dân nên tự cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới của tội phạm mạng để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của lừa đảo trực tuyến.