Mâu thuẫn không phức tạp nhưng gây hậu quả khôn lường
Mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân nhưng nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ nảy sinh các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, thậm chí dẫn đến phạm pháp hình sự.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 18 mô hình tự quản đang hoạt động trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, như: Cổng trường An toàn Giao thông tại Trường Nguyễn Huệ, Trường Phan Chu Trinh; CLB chủ nhà trọ tự quản về an ninh trật tự (ANTT); Khu dân cư tự quản về ANTT và mô hình Đồng hành cùng những người lầm lỗi. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng 156 tổ hòa giải với 932 hòa giải viên, hoạt động thường xuyên và được kiện toàn liên tục, nâng cao chất lượng (trong đó có 297 nữ, 635 nam, và 369 dân tộc thiểu số). Nhờ kỹ năng và chuyên môn của đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở, công tác hòa giải có nhiều tín hiệu tích cực. Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận hòa giải 19 vụ việc, tạo điều kiện cho chính quyền, Đảng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước, giữ vững trật tự, ổn định và an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân vẫn diễn ra tại một số nơi, như tranh chấp đất đai, mâu thuẫn nội bộ gia đình, lợi ích cá nhân... Dù là mâu thuẫn nhỏ, nhưng nếu không được tháo gỡ kịp thời, sẽ dẫn đến các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và có thể dẫn đến phạm pháp hình sự.
Thống kê trong một tuần qua, thành phố Kon Tum đã xảy ra nhiều vụ cố ý gây thương tích. Một vụ việc đáng chú ý là mâu thuẫn về chỗ đậu xe giữa khách hàng của hai quán cơm trên đường Duy Tân, TP. Kon Tum. Khoảng 12h00 ngày 11/10/2024, ông N.V.T (SN 1985, trú tại số 409 Trần Hưng Đạo, phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum) đang bán cơm tại số 658 Duy Tân, phường Duy Tân, TP. Kon Tum. Khi khách của ông T đậu xe trước quán cơm bên cạnh của bà N.T.N (SN 1978, trú tại 13B/2/710 đường Bình Giã, phường Bình Gia, TP. Vũng Tàu), hai bên đã xảy ra cãi vã và ẩu đả. Trong khi cãi nhau, ông T dùng tay không đánh bà N và đổ thức ăn lên người bà. Bà N, đang cầm dao thái thịt, phản ứng lại và gây thương tích cho ông T, làm ông bị rách tay trái (khâu 5 mũi) và một vết xước trên mặt dài khoảng 6cm.
Qua phân tích, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thấy rằng đa số các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản đều có nguyên nhân từ mâu thuẫn giữa các bên. Nếu các mâu thuẫn này được phát hiện và giải quyết từ sớm, sẽ giảm thiểu được rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Một ví dụ điển hình là mâu thuẫn vay mượn tiền giữa A.T (SN 2000, trú tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) và N.Q.T (SN 1978, tạm trú tại thôn Kon Hơ Ngo Klah, xã Ngok Bay). Ngày 20/10/2024, A.T đang chơi game tại một quán internet ở xã Ngok Bay thì bị N.Q.T dùng dao tấn công, gây thương tích vùng đầu và phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Nếu tranh chấp này được giải quyết từ sớm, có thể đã tránh được sự cố đáng tiếc như vụ việc trên.
Cũng vào ngày 20/10/2024, chị P.N.T (SN 2003, trú tại hẻm 314 Trần Nhân Tông, phường Quang Trung, TP. Kon Tum) trình báo bị anh N.Đ (SN 1998, trú tại thôn 3, thị trấn Sa Thầy) - người ở cùng dãy trọ - đánh vào đầu và mặt. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chị T đã can ngăn khi vợ chồng anh Đ có mâu thuẫn vào đêm 19/10/2024.
Hình ảnh chị T bị thương tích
Có thể thấy rằng, dù mâu thuẫn không lớn nhưng hậu quả xảy ra là không lường trước được, mất tình cảm giữa người với người, chỉ vì giây phút bốc đồng mất kiểm soát, nghiêm trọng hơn còn có khả năng chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình gây ra. Để giảm thiểu tình trạng này, quá trình công tác của các tổ tự quản phải luôn bám sát vào quy chế, căn cứ vào nội dung mâu thuẫn mà phối hợp Cảnh sát khu vực thường xuyên thăm hỏi, tiếp cận để nắm rõ tính cách, đặc điểm tâm lý của các cá nhân, tìm hiểu nội dung vụ việc dẫn đến mâu thuẫn và giải quyết các vụ việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn, kéo giảm các vụ việc tranh chấp, đơn thư khiếu nại, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tình làng nghĩa xóm bền chặt hơn.
Trong thời gian tới, lực lượng Công an cần phối hợp với Ban Chỉ đạo 138 xã, phường tiếp tục xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình quần chúng tự quản về ANTT. Đồng thời, cần phối hợp với các cá nhân có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, tham gia phòng ngừa và tố giác tội phạm. Công tác cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng, giáo dục thanh niên hư cần được chú trọng. Các biện pháp quản lý địa bàn, đối tượng và các đợt cao điểm trấn áp tội phạm phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt để ngăn ngừa và giải quyết dứt điểm các vụ việc liên quan đến ANTT, không để phát sinh “điểm nóng”, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn TP. Kon Tum.