A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum

Do có giá trị dược liệu và kinh tế cao nên những năm qua, tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là trên không gian mạng, tình trạng này đã gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng như lợi ích của người tiêu dùng. Qua hơn 3 tháng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Kon Tum đã bắt giam 01 đối tượng có hành vi bán sâm Ngọc Linh giả. Qua vụ án này, việc khởi tố hình sự đối tượng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng Công an Kon Tum trong việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Cụ thể, vào khoảng tháng 3/2024, trên không gian mạng xuất hiện một fanpage có tên “Trung Tâm Giống Cây Trồng Tỉnh Kontum” đăng tải thông tin bán cây giống sâm Ngọc Linh với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực tế. Do có nhu cầu trồng sâm và cũng thấy giá rẻ nên một người dân trên địa bàn TP. Kon Tum đã đặt mua 150 cây giống với giá 35.000/cây trên fanpage này.

Nhưng sự thật thì các cây giống khi nạn nhân nhận được đều là sâm Ngọc Linh giả có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh và Công an thành phố Kon Tum đã phối hợp bắt giữ được đối tượng lừa đảo tại tỉnh Vĩnh Phúc. Tại cơ quan Công an, đối tượng Lưu Văn Chung (28 tuổi) đã khai nhận: “Em tìm hiểu trên mạng thấy cây sâm Ngọc Linh có nhu cầu mua cao nên nảy sinh ý định tạo một trang fanpage để đăng bán cây cho những người có nhu cầu. Cuối tháng 4 có anh Hoàng Sa đặt mua 150 cây, do không có cây nên đặt của chị Hồng trên mạng cây sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc để gửi, trong đó em có đảm bảo rằng đó là cây Sâm Ngọc Linh 100%”.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Chung

Đây là một vụ án điển hình thể hiện sự phối hợp hiệp đồng có hiệu quả giữa Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh và Cơ quan CSĐT Công an Thành phố Kon Tum dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Chia sẻ thêm về vụ án này, Trung tá Đào Nguyễn Thanh Sơn – Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Kon Tum cho biết: “Vụ việc này được trao đổi trên không gian mạng, đối tượng sử dụng nhiều tài khoản facebook, trong đó che dấu địa chỉ, nơi ở của đối tượng, đồng thời đối tượng này ở vùng phía Bắc nên trong công tác xác minh, truy xét và truy tìm đối tượng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm làm rõ được đối tượng, củng cố tài liệu chứng cứ, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý hình sự đối tượng từ đó răn đe đối với những đối tượng có hành vi tương tự. Mục đích để làm sao bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ được thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum”.

Các loại sâm được giới thiệu tại huyện Tu Mơ Rông

Vừa qua, tại huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, Cục Quản lý Thị trường tỉnh Kon Tum cùng các lực lượng chức năng của Công an tỉnh Kon Tum và các phòng, ban huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức tiêu hủy số cây sâm Ngọc Linh giả trong vụ án trên. Tại đây, ban tổ chức đã có buổi giới thiệu và chia sẻ một số kiến thức cơ bản để người dân có thể phân biệt các loại sâm hiện có trên thị trường. Trực tiếp quan sát, rất khó phân biệt cây sâm Ngọc Linh thật và sâm Ngọc Linh giả. Theo các chuyên gia thì bằng mắt thường chỉ phân biệt được khi cây từ 3 năm tuổi trở lên, cây nhỏ thì chỉ có máy móc xét nghiệm mới phân biệt được. Anh A Ku, một người trồng sâm ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông mong muốn trong thời gian tới, cơ quan các cấp cần xử lý thật nghiêm những đối tượng mua bán sâm giả để bảo vệ những người trồng sâm chân chính, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Ông Võ Trung Mạnh (áo đen) giới thiệu cây sâm Ngọc Linh Kon Tum

Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết thêm:“Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng như: Công an, quản lý thị trường tiếp tục đấu tranh mạnh với việc buôn bán sâm giả, đặc biệt là các loại sâm giống. Và huyện cũng mong muốn các Bộ, Ngành tham mưu với Chính phủ có giải pháp đấu tranh mạnh hơn nữa đối với việc buôn bán sâm trên mạng xã hội, hiện nay việc buôn bán lợi dụng sâm Ngọc Linh rất là lớn, bởi vì người dân, người tiêu dùng khó mà phân biệt được sâm Ngọc Linh và các loại sâm khác, cho nên phải đấu tranh và xử lý như Công an tỉnh và các lực lượng chức năng vừa rồi phá vụ án buôn bán giống sâm giả trên địa bàn”.

Hiện thị trường sâm đang đối diện với không ít áp lực từ nạn sâm giả hay việc trà trộn các giống sâm ngoại lai gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, đặc biệt là trên không gian mạng để xác định các hoạt động giao dịch, mua bán các sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, quyết tâm bảo vệ sản phẩm, thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

 


Tác giả: Tấn Bình
Tin liên quan