A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Người nhái” – Công việc nguy hiểm và thầm lặng

Một buổi sáng như mọi ngày, mặt trời chiếu những tia nắng đầu tháng 8 rọi xuống mặt hồ thủy điện Yaly (tỉnh Kon Tum). Ở trên bờ, bất chấp dòng nước đục ngầu và lạnh lẽo, những “người nhái” là các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) thuộc Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CC và CNCH) khu vực đang khởi động và chuẩn bị kĩ càng các trang thiết bị lặn cho buổi tìm kiếm cứu nạn.

https://scontent.fsgn2-4.fna.fbcdn.net/v/t1.15752-9/239179537_241834947810238_4153606998576612181_n.jpg?_nc_cat=101&ccb=1-5&_nc_sid=ae9488&_nc_ohc=2i6cegLdQXsAX9Cnf5v&_nc_ht=scontent.fsgn2-4.fna&oh=f63e7e016c8c3a42ab40d5949bee3081&oe=6145E606

“Người nhái” Đội CC và CNCH Kon Tum tại Hồ thủy điện Yaly (Kon Tum)

Khác với “người nhái” thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam hay “người nhái” chuyên lặn ở biển, “người nhái” làm công tác CNCH với chức năng dò tìm, trục vớt người, phương tiện ở đáy sông, suối, ao, hồ nên được trang bị khác hoàn toàn. Khoác lên mình những trang thiết bị lặn, như: găng tay, giày cao su, kiếng lặn, đai chì và quan trọng nhất là bộ bình dưỡng khí với tổng khối lượng phải mang trên người lên đến hơn 30kg, những “người nhái” thực sự khó khăn khi thao tác kĩ năng tìm kiếm. Không như lặn ở hồ bơi, với độ sâu không quá 4m nhưng nhờ nước trong nên không ảnh hưởng đến tầm nhìn. Còn khi xuống đáy sông, hồ chỉ cần vừa ngập qua đầu là đã thấy tối, không thể thấy gì, độ sâu trung bình ở giữa lòng sông trung bình từ 12 – 15m. Mỗi lần thực hiện một nhiệm vụ, là mỗi lần những “người nhái” phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, thậm chí là hy sinh. Khi lặn xuống môi trường nước, áp lực nước khiến tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp xuất hiện và sẽ thở mạnh hơn, họ phải biết cách quên đi để chế ngự nỗi sợ hãi của mình. Nguy hiểm nhất là tình huống bung ống thở do sự cố. Khi trước mắt là làn nước tối om, tai thì kín như bưng, chỉ có nguồn khí duy nhất là ống thở ngậm vào miệng, nếu bị bung ra sẽ dẫn tới hoảng loạn và có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế đã có nhiều chiến sỹ trẻ hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ CNCH như trường hợp Trung sỹ Trần Văn Lành – Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Tây Ninh khi đang lặn tìm người đuối nước tại lòng kênh Đông ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 27/9/2019.

Để ứng phó trong trường hợp này, những “người nhái” Phòng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum đã luyện tập nhiều lần bài tập 2 người lặn xuống đáy hồ sâu 4m rồi chuyền nhau cùng thở một ống, người này thở xong đến người kia. Luyện tập nhiều như vậy sẽ thúc đẩy tâm lý bình tĩnh khi phải xử lý những tình huống bất ngờ.

Chiến sỹ “người nhái” tổ CNCH không quản ngại ngày đêm để tìm kiếm nạn nhân

Những rèn luyện đó đã đem lại nhiều kinh nghiệm cho những lần “vào trận” thật sự, điển hình như: Vụ 02 nạn nhân bị đuối nước tại hồ thủy điện Yaly (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) vào ngày 15/8/2021. Nhận được tin báo, ngay lập tức Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH điều động đội “người nhái” mang theo trang thiết bị cần thiết xuống hiện trường trực tiếp tìm kiếm nạn nhân. Khi khoanh vùng được vị trí nạn nhân bị đuối nước, do khu vực xảy ra vụ đuối nước khá rộng và sâu và hai bên bờ có nhiều đá ngầm nên công tác tìm kiếm nạn nhân cực kì khó khăn. Đội “người nhái” đã chia thành 2 tốp, luân phiên lặn xuống đáy hồ tìm nạn nhân mất tích. Do điều kiện là hồ sâu và rộng lớn, có địa chất phức tạp, có khu vực sâu tới 14m nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Sợi dây tín hiệu kết nối những “người nhái” với người chỉ huy trên bờ cứ thỉnh thoảng lại rung lên bần bật vì dòng nước chảy siết kèm theo những vật cản ở giữa dòng làm căng sợi dây tín hiệu. Những ánh mắt của người thân nạn nhân vẫn hướng nhìn đau đáu về vị trí nơi nổi bọt khí bong bóng hiện lên trên mặt hồ của những “người nhái” đang thở lặn tìm nạn nhân dưới đáy hồ. Sau hai ngày nỗ lực tìm kiếm, các chiến sỹ đã tìm thấy thi thể 02 nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng và gia đình. Hoàn thành nhiệm vụ, cả tổ ai cũng rã rời cơ thể tím tái vì lạnh, vừa mệt, vừa rét nhưng mọi người chỉ nghỉ ngơi chốc lát rồi lặng lẽ lên đường trở về đơn vị.

Đội “người nhái” tiến hành trục vớt nạn nhân xấu số

Với mỗi “người nhái”, việc trục vớt người, phương tiện bị nạn dưới sông, suối, ao, hồ thật sự là một cuộc chiến diễn ra với các phương pháp hoàn toàn khác nhau. Và đối thủ của họ khi đó chính là nỗi sợ hãi của bản thân, thách thức sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của mỗi “người nhái”. Họ thường xuyên đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập như dòng chảy xiết, dòng nước lạnh, đá ngầm, dị vật trôi theo dòng nước… có khả năng làm những “người nhái” bị thương. Thậm chí trong quá trình lặn, nếu “người nhái” quên giảm áp (điều chỉnh áp suất cơ thể sao cho phù hợp với môi trường dưới nước) cũng sẽ tự làm bản thân bị thương như chảy máu từ mũi và tai. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần hiểm nguy mà chỉ cần sơ suất một chút, những “người nhái” có thể là nạn nhân. Dù ở tình huống nào họ vẫn luôn phải chạy đua với thời gian, bằng mọi cách tìm kiếm thi thể nhanh nhất để làm nguôi đi sự đau thương và mất mát của gia đình người bị nạn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo các chính quyền địa phương đã đại điện đến hiện trường thăm hỏi, động viên đội CNCH đã không quản ngại sự nguy hiểm trước mắt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chính quyền địa phương thăm hỏi và động viên đội “người nhái” đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm

Hiểm nguy là thế nhưng khi lựa chọn thì tất cả đều đồng lòng như một. Những “người nhái” Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH công an tỉnh Kon Tum tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã mang trong mình nhiệt huyết rất lớn. Những con người bình thường bỗng chốc trở nên mạnh mẽ, phi thường khi đứng trước những khó khăn, thách thức. Trước nhiệm vụ được giao, với lòng quyết tâm cao, những con người bình thường ấy phút chốc biến thành “người hùng” trong công tác CNCH. Đây là những nhân tố góp phần vào sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Kon Tum nói riêng và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói chung.

Ngọc Hoàn