A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp bố trí lối và đường thoát nạn tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay

Cùng với sự phát triển của CNH-HĐH và sự tăng trưởng kinh tế, xã hội nên thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình có sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay, loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (NĐƠKHSXKD) thường tập trung chủ yếu ở khu vực đông dân cư như địa bàn phường Quyết Thắng, Quang Trung, Thắng Lợi, Thống Nhất… đặc biệt là các dãy phố chợ trên địa bàn các huyện, thành phố. Mô hình kinh doanh này có đặc điểm cơ bản là dùng 1 phần nơi để ở để làm địa điểm sản xuất, kinh doanh. Tuy có tiện lợi nhưng dễ nhận thấy rằng loại hình này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao – đặc biệt điểm ‘tử huyệt” là chỉ có duy nhất 01 lối thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Trong thời gian qua, các vụ cháy về loại hình này thường xuyên xảy ra, điển hình gần đây nhất là vụ cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh tại phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào rạng sáng ngày 15/6/2021 đã khiến 06 người tử vong. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum vừa qua cũng xảy ra 1 số vụ cháy tại loại hình trên, điển hình như vụ cháy ngày 25/5/2021 tại Cửa hàng kinh doanh ăn uống bò né Bích Hải, phường Quyết Thắng và vụ cháy ngày 29/4/2021 tại nhà dân thuộc thôn Ia Muung, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, 02 vụ cháy trên tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản hơn 350 triệu đồng.

Để đảm bảo an toàn thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra tại loại hình NĐƠKHSXKD, các chủ hộ gia đình cần thực hiện 1 số giải pháp bố trí lối và đường thoát nạn như sau:

1. Khi xây dựng mới

Cần chấp hành nghiêm chỉnh văn bản pháp luật hiện hành. Theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD, mỗi tầng của NĐƠKHSXKD phải có ít nhất 2 lối thoát hiểm: Một lối thoát hiểm ra cầu thang (lên hoặc xuống) và một lối thoát hiểm khác (cửa sổ, bàn công, lo-gia). Cũng theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD thì các NĐƠKHSXKD xây dựng nên có ban công, lo-gia, sân thượng, giếng trời để có khu vực thông thoáng duy trì sự sống hay thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ.

2. Tạo lối và đường thoát nạn cho các tầng từ tầng 1 đối với những ngôi nhà đã được xây dựng

Tầng 1 thường là nơi sản xuất, kinh doanh do đó các cửa chính nên làm cửa mở quay ra ngoài sẽ dễ thoát nạn hơn; nếu sử dụng cửa cuốn, cửa sắt nên dùng loại kéo tay để đề phòng khi mất điện. Nếu nhà có nhiều hơn 1 mặt tiền, cần thiết bố trí cửa thoát hiểm ở phía sau hoặc bên hông nhà.

3. Tạo lối và đường thoát nạn cho các tầng từ tầng 2 trở lên đối với những ngôi nhà đã được xây dựng

Đối với các loại cửa mở ra ban công, lo-gia, sân thượng nên sử dụng hệ chốt khóa đơn giản, dễ vận hành. Đối với nhà có sân thượng và giếng trời: tùy địa hình cụ thể có thể thiết kế, bố trí hoặc dự tính sẵn lối thoát hiểm sang nhà hàng xóm kế bên hoặc chọn vị trí để chờ lực lượng PCCC đến cứu trợ.

4. Trang bị các phương tiện

Trang bị phương tiện hỗ trợ tạo lối, đường thoát nạn như: xà beng, búa tạ, kìm cộng lực, thang dây hay thang dây hạ chậm… ở những vị trí thích hợp để kịp thời xử lí khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH vận động các hộ gia đình tạo lối thoát nạn thứ 2 (tainangvacongluan.vn)

Đức Cường

 


Tin liên quan