A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

 

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Với ý nghĩa đó, ngày 28/6 được xem là ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam.

Từ xa xưa, ông cha ta đã dày công xây dựng những nề nếp trong gia đình như con cháu phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung; anh em thuận hòa… Cùng với các tiêu chí đó là hàng loạt quy tắc ứng xử nghiêm ngặt như đi thưa về gửi, kính trên nhường dưới, thuận vợ thuận chồng…

Ngày nay, nội dung xây dựng đạo đức, lối sống gia đình chính là kế thừa những tinh hoa truyền thống mà ông cha ta đã để lại và tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới trong cuộc sống hiện đại như bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực gia đình, chống thói gia trưởng…

Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình theo tinh thần Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình.

Trong đó, Công an Kon Tum cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đạo đức, lối sống trong gia đình cho cán bộ, chiến sỹ, người lao động thuộc các đơn vị; Các đơn vị nghiệp vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em…

 

Đạo đức trong gia đình là khởi đầu cho đạo đức trong xã hội


Văn bản số 1171/UBND-KGVX của UBND tỉnh đã nêu rõ, những năm gần đây, công tác truyền thông, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, kết quả đạt được giúp một số địa phương định hướng được mục tiêu xây dựng gia đình hướng tới tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc bền vững.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong gia đình vẫn còn diễn ra, mô hình gia đình truyền thống ngày càng bị phá vỡ, mất đi giá trị; tình trạng ly hôn, ly thân vẫn còn phổ biến; tình trạng tảo hôn còn diễn ra rải rác tại các địa phương; tình trạng trẻ em thiếu sự chăm sóc giáo dục từ gia đình trở nên hư hỏng, vi phạm pháp luật; tình trạng con cái bất hiếu với cha mẹ…

Ví như một trường hợp của gia đình ông Ngô C và bà Nguyễn Thị N ở đường Hoàng Thị Loan, P. Quang Trung, TP. Kon Tum. Vào một ngày tháng 3/2017, Ngô Văn Tuấn (SN1974, trú tại 19/18/20 đường An Phú Đông, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh) trong lần về thăm bố mẹ chỉ vì chút mâu thuẫn mà Tuấn đã to tiếng và dùng ngay chiếc xe lăng của bố mẹ mình đập vỡ màn hình tivi Sony 40 inch của gia đình. Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Ngô Văn Tuấn về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

 

Đối tượng Ngô Văn Tuấn tại cơ quan Công an


Những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là:

– Do chúng ta chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

– Chưa chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình để từ đó là tiền đề hình thành nhân cách con người, nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu.

– Chưa nhận thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Vì vậy, việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc là hết sức cần thiết và cấp bách đối với từng cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân chúng ta.


Tấn Bình (Phòng CTCT)