A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng, tăng giá trị, thời hạn của thị thực điện tử

Để góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, từ ngày 17/3/2023, Bộ Công an bắt đầu thu thập lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết, năm 2020, 2021 đại dịch COVID-19 với những làn sóng lây nhiễm trên toàn thế giới đã dẫn đến đời sống kinh tế xã hội ở hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở nước ta, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến chính sách xuất nhập cảnh. Do vậy, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam giai đoạn này đã giảm sâu so với năm 2019.

Giao diện Website dành cho người nước ngoài đang ở ngoài nước trực tiếp đề nghị cấp thị thực điện tử

Năm 2022, Việt Nam và đa số các nước trên thế giới đã bắt đầu khôi phục hoạt động xuất nhập cảnh. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan “khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện thuận lợi hơn về thủ tục, thời gian, số lượt nhập cảnh, số ngày lưu trú tại Việt Nam nhằm thu hút khách du lịch quốc tế”; “tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính liên quan việc cấp thị thực; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các chính sách về thị thực để tạo thuận lợi khách du lịch nhập cảnh”.  Do đó, một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật là việc mở rộng đối tượng áp dụng, tăng giá trị, thời hạn của thị thực điện tử. Đây đang là một chủ đề được quan tâm rộng rãi trong dư luận.

Thị thực điện tử hay còn gọi là E-visa là một loại thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử. Thị thực điện tử Việt Nam có giá trị một lần, thời hạn không quá 30 ngày. Người nước ngoài đang ở nước ngoài, có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp đề nghị cấp thị thực điện tử hoặc thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh.

Với sự phát triển của công nghệ, việc thực hiện thủ tục cấp thị thực điện tử trở nên đơn giản hơn, nhanh chóng hơn, giảm thiểu các bước thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người đề nghị cấp. Mặt khác thị thực điện tử là một trong những giải pháp giúp tăng cường sự an toàn và linh hoạt trong việc quản lý, đồng thời thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch quốc tế trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Tại Việt Nam, thị thực điện tử được triển khai thí điểm từ năm 2017 và được luật hóa theo quy định của Luật số 51/2019/QH14, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, thời điểm Việt Nam đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng chống dịch, nên đến ngày 15/3/2022 Việt Nam mới chính thức thực hiện cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh. Đến nay, Việt Nam đã áp dụng thị thực điện tử đối với 80 quốc gia, thị thực điện tử Việt Nam có giá trị nhập cảnh một lần, thời hạn không quá 30 ngày.

Sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch, các hoạt động xuất nhập cảnh đã dần trở lại trạng thái bình thường. Qua thống kê Quý I/2023, Việt Nam có hơn 2,5 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh, trong đó số nhập cảnh bằng thị thực điện tử và diện miễn thị thực chiếm hơn 60%. Số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã tăng nhiều, tuy nhiên chỉ bằng 63,8% so với cùng kỳ năm 2019, là thời điểm trước dịch Covid-19. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy phục hồi du lịch, kinh tế xã hội và thị thực điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi này.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã đề xuất 02 vấn đề liên quan đến thị thực điện tử:

1. Đề xuất Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Việc đề xuất danh sách các nước, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử được quy định rõ ràng là điều cần thiết để thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội của Việt Nam. Ngoài ra, việc đề xuất quy định danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử sẽ giúp tăng tính hiệu quả của thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Việc chọn các cửa khẩu quốc tế phù hợp cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi, tăng tính tiện lợi cho khách du lịch và giảm thiểu sự đông đúc, tắc nghẽn tại cửa khẩu.

2. Đề xuất nâng thời hạn của thị thực điện tử lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm tạo sự thuận tiện và linh hoạt cho người nước ngoài trong việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam. Việc tăng thời hạn thị thực điện tử và cho phép thị thực điện tử có giá trị nhiều lần sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch của Việt Nam, số lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút nhiều khách du lịch. Thời hạn thị thực đến 3 tháng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan, khám phá nhiều địa điểm hơn, trải nghiệm nhiều hoạt động hơn để tìm hiểu tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Thị thực điện tử có giá trị nhiều lần giúp cho các du khách tiết kiệm thời gian và chi phí khi xin thị thực, đặc biệt là đối với khách muốn kết hợp du lịch Việt Nam với các nước khác và có thể quay lại Việt Nam mà không phải đề nghị xin cấp thị thực nhập cảnh mới.

Việc đề xuất mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng áp dụng và giá trị, thời hạn thị thực giúp nâng cao hiệu quả và tiện lợi cho thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Dự thảo Luật nếu được thông qua sẽ góp phần thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng, giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội của Việt Nam.

                                                        

                                                        


Tác giả: Đội Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh công dân Việt Nam