A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi tiền không đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Thời điểm giáp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, đi kèm với đó là nhu cầu đổi tiền lẻ, đồng đô la của người dân để mừng tuổi, đi lễ chùa ngày một gia tăng. Và đây là thời điểm để nhiều đối tượng lợi dụng để kiếm lời.

Nhộn nhịp đổi tiền dịp Tết

Lướt dạo trên các trang mạng xã hội, chúng ta dễ dàng thấy được dịch vụ đổi tiền hoạt động công khai và tràn lan. Chỉ cần một cuộc điện thoại hay một tin nhắn là có thể dễ dàng được phục vụ tận nơi và tất nhiên là cần trả một mức phí tương xứng.

 

Đồng tiền Đô được rao đổi tại Kon Tum với giá chênh lệch khá cao


Theo ghi nhận của chúng tôi tại thị trường Kon Tum, mức phí đổi tiền đô la (mệnh giá chủ yếu là 2 USD) đang ở mức 55.000/1 tờ và 5.300.000/100 tờ và khả năng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đối với các loại tiền VNĐ thì mức phí đổi tiền lẻ, tiền mới dao động từ 6 – 12% cho các mệnh giá từ 1.000 đồng đến 200.000 đồng. Trong đó, mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng có phí chuyển đổi là 12%, mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng trả phí 10%, các mệnh giá khác như 50.000 đồng phí 8%, 100.000 đồng (7%) và  200.000 đồng (6%)….

Vào các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố Kon Tum, khi chúng tôi ngỏ ý muốn đổi tiền mới thì đều nhận được sự từ chối từ các nhân viên ngân hàng. Nhiều ngân hàng lấy lý do ngân hàng Nhà nước chưa cung ứng tiền mới, có ngân hàng trả lời là do quỹ tiền mới có hạn nên không đủ cung ứng cho các khách hàng bên ngoài….

Mức xử phạt theo quy định

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018. Cụ thể hơn, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống máy ATM, các hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống thanh toán thẻ, đặc biệt tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, bảo đảm an ninh kho quỹ.

Đồng thời, chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định…

Và theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xem xét, xử phạt, mức phạt được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5, mức xử phạt từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng.

Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như: đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá, đổi tiền không bằng giá trị… là hành vi bị cấm, nếu vi phạm có thể bị xử phạt đến 40.000.000 đồng.


Tấn Bình


Tin liên quan