A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Công an tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời ngăn chặn việc làm lây lan dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 10/2020, đến nay đã xuất hiện 950 ổ dịch tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan rộng và nhanh chóng là do virus Lumpy Skin gây ra, không lây cho người, đường truyền chủ yếu qua côn trùng như ruồi, ve, muỗi, mòng… nên rất khó kiểm soát. Hiện nay, cả nước có 761 ổ dịch tại 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày với hơn 20.000 con gia súc bị mắc bệnh, số trâu bò đã tiêu hủy hơn 1.500 con, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Tại tỉnh Kon Tum, tính đến ngày 21/5, đã phát hiện và tiêu hủy 01 con bò có trọng lượng 185kg mắc bệnh tại hộ A Nhin, làng Rắc, xã Ya Xier, Sa Thầy và 03 con bò (tổng trọng lượng 622kg) của 02 hộ chăn nuôi tại thôn Điek Tem, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông. Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đăk Hà, từ ngày 10 – 15/6/2021, trên địa bàn huyện Đăk Hà đã phát sinh 18 ổ dịch viêm da nổi cục tại 7 thôn của 2 xã Đăk La và Ngọc Wang với 22 con bò bị mắc bệnh. Tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện Đăk Hà vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan trên diện rộng như xã Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà.

Để kịp thời ngăn chặn việc làm lây lan dịch bệnh, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch của Công an tỉnh về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng thuộc Sở, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nắm tình hình và dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; phối hợp tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục.

Chủ động nắm chắc tình hình trên tuyến, địa bàn trọng điểm, các vùng dịch; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, sản phẩm trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kinh doanh, vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt là các vùng đang có dịch, tuyến đi qua vùng dịch vào địa bàn; vi phạm quy trình tiêu hủy, giết mổ, trữ đông sản phẩm trâu, bò mắc dịch bệnh, bán tháo trâu, bò mắc bệnh trái quy định pháp luật.

Bích Nga