A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Nghị định này quy định về Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Các hành vi vi phạm về hoạt động của phương tiện thủy nội địa ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải, bao gồm: Vi phạm của phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến giao thông đường thủy nội địa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng các quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác có liên quan.

Áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tại Việt Nam; (2) Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; (3) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; Đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật; (4) Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm; (5) Đối với các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện) thì xác định như sau: Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện; (6) Thuyền viên tàu biển, tàu cá khi hoạt động trên đường thủy nội địa có hành vi vi phạm quy định tại Điều 11, Điều 24, Điều 25, Điều 26, Điều 39 và Điều 41 của Nghị định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các điều đó, đối với những hành vi vi phạm hành chính khác thì áp dụng hình thức, mức xử phạt quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, thủy sản để xử phạt.

Nghị định áp dụng mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây, áp dụng đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa, mức phạt tính trên mỗi thiết bị, dụng cụ:

Trang bị không đủ số lượng thiết bị, dụng cụ an toàn (trừ áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân), dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện;

Trang bị không đúng chủng loại, bố trí không đúng vị trí, sử dụng quá thời hạn quy định của thiết bị, dụng cụ an toàn (trừ áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân), dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt, trang bị thiết bị thông tin hoặc thiết bị nhận dạng tự động (AIS) trên mỗi phương tiện theo quy định hoặc không duy trì hoạt động của thiết bị thông tin hoặc thiết bị nhận dạng tự động (AIS) theo quy định, áp dụng đối với mỗi thiết bị…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/ 2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Vũ Hiệp


Tin liên quan