A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo

Khoản 1 Điều 22 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân, pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính”. Theo đó việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn gồm các nội dung cơ bản sau:

– Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người giáo dục như: pháp luật hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, các văn bản liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Đối với người nghiện ma túy, cần phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; về tác hại của việc tiêm chích, sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng, phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua tiêm chích ma túy; về chương trình cai nghiện và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

– Giáo dục về kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề cho người được giáo dục.

– Giáo dục về truyền thống tốt đẹp của đất nước, quê hương.

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật cũng quy định việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo thông qua hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp; sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức phù hợp khác. Theo đó, việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể được thực hiện bằng các hình thức cơ bản sau đây:

– Phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề do chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức để phổ biến, giới thiệu những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, hoặc các quy định có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các đối tượng, các quy định về việc làm… đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của họ.

– Gặp gỡ trực tiếp gia đình, người được giáo dục, cụ thể là giáo dục, tư vấn pháp luật cá biệt được áp dụng đối với những đối tượng có nhận thức lệch lạc, quá tự ti hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

– Giới thiệu tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm; sinh hoạt câu lạc bộ với sự định hướng của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm.

– Thông báo bằng văn bản về gia đình, người được giáo dục về các biện pháp quản lý, giáo dục.

– Tổ chức cuộc họp góp ý tại địa bàn dân cư ở cơ sở. Trường hợp người được giáo dục là người chưa thành niên thì không tổ chức cuộc họp góp ý.

– Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở địa phương để nhanh chóng phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến đông đảo các đối tượng, đồng thời còn nâng cao hiểu biết, nhận thức của toàn thể cộng đồng về việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Công

 


Tin liên quan