A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khái niệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo Từ điển Tiếng Việt năm 1992 (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trang 775), phổ biến là làm cho đông đảo người biết bằng cách truyền đạt trực tiếp hay thông qua hình thức, phương tiện nào đó (ví dụ: phổ biến chính sách của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo, phổ biến quy định mới của pháp luật về bảo hiểm xã hội…).

Phổ biến pháp luật là hoạt động hoặc nhiều hoạt động bằng hình thức truyền đạt trực tiếp hay thông qua hình thức, phương tiện nào đó làm cho đông đảo người biết các quy định của pháp luật với mục đích là để cho mọi người hiểu biết pháp luật và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.

Theo Từ điển Tiếng Việt năm 1992 (Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trang 395), giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất, nâng lực yêu cầu đề ra (giáo dục công dân, giáo dục kiến thức về quốc phòng và an ninh, giáo dục giới tính…).

Giáo dục pháp luật là quá trình hoạt động có định hướng, có mục đích, có kế hoạch của cơ quan, người có thẩm quyền nhằm xây dựng, hình thành ở đối tượng giáo dục tri thức pháp luật, tình cảm pháp lý, niềm tin vào pháp luật, hiểu biết các quy định của pháp luật, lợi ích của viêc tuân thủ pháp luật, về hành vi phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Từ những nội dung nêu trên, có thể hiểu: phổ biến, giáo dục pháp luật là hoạt động hoặc nhiều hoạt động cụ thể, thực hiện việc truyền bá pháp luật cho đối tượng bằng một hoặc nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức, niềm tin pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành và bảo vệ pháp luật của đối tượng đó.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là những công việc cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đối với cơ quan, tổ chức: theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; thống kê, tổng kết về phổ biến, giáo dục pháp luật; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đối với cá nhân: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là các hoạt động cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, người được mời tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở (theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật) để tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, tổ chức; xác định đối tượng có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật, đối tượng bị điều chỉnh trong từng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó lựa chọn hình thức, biện pháp và nội dung pháp luật phổ biến, giáo dục cho phù hợp, mang lại hiệu quả.

Hoàng Công