A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cầu nối” giữ bình yên

Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là lực lượng nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân; là hạt nhân, nêu gương sáng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, làng đoàn kết, bình yên và phát triển. Theo thống kê, tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 678 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Già làng A Lưih, dân tộc Gia Rai ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim năm nay đã 94 tuổi được biết đến là một người có uy tín của thôn, tích cực trong công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật, ông là người am hiểu phong tục tập quán của địa phương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, làm ăn kinh tế giỏi, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đời sống của người dân.

Trò chuyện cùng chúng tôi, già làng A Lưih chia sẻ: “Trước đây phong tục, tập quán của người dân trong việc tổ chức đám ma hay đám cưới còn lạc hậu và tốn kém lắm, khi có đám gia đình thường mổ trâu, mổ bò, không có thì đi mượn của người khác về làm, bây giờ thì hết rồi, không còn ép buộc nữa, ai có thì làm không có thì thôi.”

Già làng A Lưih (áo xanh bên trái) nói chuyện về duy trì phong tục, tập quán của làng

Hay như ông A Khoan, thôn trưởng thôn Plei Sar kiêm Bí thư Chi bộ. Ông là tấm gương của sự nhiệt huyết, năng nổ trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và luôn được người dân tin tưởng, yêu quý. Nhớ lại những ngày tháng khi xã Ia Chim trở thành điểm “nóng” với vụ việc người dân 2 thôn Plei Sar và Lâm Tùng chiếm đất trái phép của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, thời điểm đó, do nghe lời xúi giục, lôi kéo của một số phần tử chống phá nên người dân đã tự ý giăng dây, cắm cọc, chia lô đòi trả lại đất. Với vai trò là thôn trưởng, ông A Khoan đã nhiều lần đi gặp từng người tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân chấp hành pháp luật, không được lấn chiếm đất đai.

Ông A Khoan cùng lực lượng Công an xã tuyên truyền pháp luật đến người dân

Không những đi đầu trong phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mà trong làm ăn kinh tế ông còn là người dân tộc thiểu số điển hình, tiên phong trong việc thực hiện làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững, hỗ trợ, giúp đỡ bà con làng Plei Sar, xã Ia Chim có thêm việc làm và nguồn thu nhập ổn định từ mô hình hợp tác trồng cây chanh dây. Hiện một số lao động của làng Plei Sar có nguồn thu nhập ổn định hơn 200.000 đồng/ngày từ hơn 04 hecta cây chanh dây của gia đình ông.

Ông A Khoan với mô hình trồng cây chanh dây cho thu nhập cao

Đến với thôn Đak Ơ Nglăng, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, chị Y Doak được xem là người có uy tín trẻ tuổi, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế và hỗ trợ lực lượng Công an cơ sở đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn, nhớ lại cách đây vài năm khi chị vẫn còn tham gia Ban quản lý thôn với vai trò thôn trưởng, từ trách nhiệm và sự quyết đoán, chị và Ban quản lý thôn đã tổ chức đưa ra kiểm điểm, giáo dục những thanh niên lêu lổng, hư hỏng của thôn. Giờ đây, nhiều người trong số thanh niên đó đã trưởng thành hơn, biết chăm lo cho cuộc sống của mình, điển hình như anh A Han, năm nay 30 tuổi là một trong số những thanh niên trước đây đã từng bị Ban quản lý thôn đưa ra kiểm điểm, từ những lời động viên, chỉ bảo của chị Doak mà anh đã nhận ra và sửa chữa sai lầm của mình, để đến bây giờ anh tham gia tích cực vào Ban quản lý thôn với vai trò là thôn phó.

Chị Y Doak thăm hỏi, động viên anh A Han tham gia Ban quản lý thôn

Giờ đây, khi không còn đảm nhiệm vai trò thôn trưởng nữa, song để dân tin, dân yêu, dân làm theo, chị Doak chia sẻ: Trước tiên mình muốn bà con làm theo mình, biết được phát triển kinh tế như thế nào thì mình phải làm trước. Chính vì thế mà chị đã không ngừng học hỏi cách làm giàu, tiên phong đi đầu trong đổi mới cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả và chăn nuôi, hiện chị là mô hình trồng cây sầu riêng của thôn với hơn 150 cây đang phát triển ở năm thứ ba.

Công an tỉnh tặng quà, thăm hỏi Người có uy tín tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum

Có thể thấy, bằng tiếng nói và uy tín của mình, những Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang là chỗ dựa vững chắc để Nhân dân cùng chung tay xây dựng đời sống tốt đẹp hơn, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của những Người có uy tín, Công an tỉnh Kon Tum đã có những quan tâm, động viên họ từ những hoạt động tặng quà, thăm hỏi, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa những Người có uy tín với lực lượng Công an để động viên họ đồng hành, hỗ trợ lực lượng Công an trong giữ gìn bản, làng bình yên.


Tác giả: Văn Lai
Tin liên quan