A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 2

Thực hiện các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ngày 11/5/2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi tổ chức cho các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại đơn vị bầu cử số 02 gồm các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và Đăk Glei thực hiện tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Tại đơn vị bầu cử số 2, số đại biểu Quốc hội được bầu là 03 người, số người ứng cử: 05 người. Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, 05 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã lần lượt báo cáo Chương trình hành động của mình. Trong đó, ứng cử viên Trần Thị Thu Phước (sinh năm 1976; dân tộc; Xê Đăng (tên gọi khác là Ca Dong), đăng ký thường tú tại 22/12 Nguyễn Trãi, P.Thống Nhất, Tp.Kon Tum, tỉnh Kon Tum; trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Đại học Cảnh sát Nhân dân; học vị: Thạc sỹ; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; đơn vị công tác tại Công an tỉnh Kon Tum, chức vụ: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum; quân hàm: Thượng tá) đã báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND.

Chân dung ứng cử viên Trần Thị Thu Phước

Trải qua hơn 25 năm công tác với nhiều vị trí khác nhau trong lực lượng Công an, từ cán bộ điều tra, được bổ nhiệm phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Trưởng Công an Kon Rẫy. Từ tháng 9/2018 đến nay là Phó Giám đốc Công an tỉnh. Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh thời gian qua, nhất là những khó khăn, vướng mắc và sự nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Ứng cử viên Trần Thị Thu Phước luôn tin tưởng nếu được là ĐBQH, bản thân đồng chí sẽ có điều kiện cùng các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum tham gia đóng góp với Quốc hội trong các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; nếu được sự tín nhiệm của cử tri bầu làm ĐBQH khóa XV, đồng chí sẽ thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, không ngừng rèn luyện để giữ gìn phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; đem hết trí tuệ, năng lực, tâm huyết của mình phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tín nhiệm và lòng tin của cử tri.

Ứng cử viên Trần Thị Thu Phước báo cáo Chương trình hành động của mình với cử tri

Với quyết tâm đó, trong chương trình hành động của mình, ứng cử viên Trần Thị Thu Phước đã đề đạt nguyện vọng của mình với cử tri nếu được bầu làm ĐBQH khóa XV. Trong đó, đồng chí nêu rõ: “Sẽ thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết, gần gũi, sâu sát với cử tri, nhất là ở những địa phương nơi mình ứng cử dưới nhiều hình thức như thông qua tiếp xúc cử tri, thực hiện tiếp công dân thông qua công việc và trong cuộc sống đời thường để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của cử tri và thống nhất cùng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh phản ảnh trung thực, có trách nhiệm những ý kiến đó với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, giúp cho việc xây dựng các cơ chế, ban hành chính sách, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước đảm bảo tính khả thi, phù hợp thực tiễn và đạt được sự đồng thuận cao của Nhân dân; Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội: Tỉnh Kon Tum của chúng ta những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục được ổn định, kết cấu hạ tầng đang tiếp tục được đầu tư, mở rộng, song tỉnh ta vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn, kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, kết cấu hạ tầng còn yếu kém, chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp; Một số tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được phát huy đúng mức, nhất là tiềm năng về du lịch và dược liệu. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Tôi sẽ cùng với Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh nghiên cứu đề xuất Quốc hội xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế- xã hội cho vùng Tây Nguyên nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của cả vùng Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Kon Tum nói riêng, giảm bớt khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước. Tích cực đề xuất, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh bằng việc hỗ trợ các hướng ưu tiên trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông – lâm sản để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, giá trị lợi nhuận cao.

Đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội: Do đặc thù là khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục còn thiếu; chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nơi chuyển biến chậm, công tác đào tạo nghề còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân có mặt còn hạn chế; chất lượng một số dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyến cơ sở; mạng lưới y tế hoạt động hiệu quả chưa cao. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao từ tỉnh đến cơ sở chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số còn cao. Do đó tôi sẽ kiến nghị Quốc hội cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển lâu dài cho khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; tiếp tục thực hiện các chương trình dự án cho miền núi, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, có chính sách hỗ trợ học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp, có chính sách thu hút cán bộ đến công tác tại các xã vùng sâu, nhất là các xã khó khăn.

Là tỉnh có diện tích đất tự nhiên rộng, khí hậu ôn hòa với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp và cây dược liệu, là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông, lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn” còn khó khăn, bất cập trong cơ chế, chính sách. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; chưa xây dựng được chiến lược về quy hoạch tổng thể dài hạn và định hướng cho người dân ổn định cơ cấu và diện tích cây trồng có giá trị cao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng. Đây chính là vấn đề tôi sẽ quan tâm nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất nông nghiệp với ứng dụng khoa học công nghệ cho phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, đảm bảo năng suất, hiệu quả, giải phóng bớt sức lao động của người nông dân.

Là ứng cử viên nữ, vì vậy, tôi dành sự quan tâm của mình đến những vấn đề có liên quan đến gia đình, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em như: Sức khỏe sinh sản, đào tạo, nâng cao trình độ; vấn đề bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; vấn đề lao động, việc làm; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của gia đình phụ nữ; phát huy vai trò nòng cốt của phụ nữ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững. Với trách nhiệm của mình, cùng các đại biểu khác, chúng tôi sẽ luôn hướng tới việc lồng ghép vấn đề giới vào hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương giúp cho việc thực thi đem lại lợi ích cho cả phụ nữ và nam giới.

Với cương vị Phó Giám đốc Công an tỉnh, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo Công an tỉnh, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an và của tỉnh, phát huy tinh thần đoàn kết, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ; kế hoạch của Bộ Công an về an ninh, trật tự; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là loại tội phạm nguy hiểm, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, bảo đảm tốt quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng – tôn giáo; tạo môi trường xã hội lành mạnh, an ninh, an toàn, cuộc sống yên bình cho người dân. Quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng Công an Nhân dân ngày càng trong sạch, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiên nay.

Bản thân nhận thức rõ việc được giới thiệu ứng cử ĐBQH vừa là vinh dự, vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình; do đó, dù được cử tri tín nhiệm hay chưa tín nhiệm, bản thân luôn coi đó là nguồn động viên, khích lệ để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Tôi luôn mong mỏi được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH khóa XV để tôi có điều kiện thực hiện tốt Chương trình hành động của mình và cử tri sẽ giám sát việc thực hiện Chương trình hành động của bản thân, để bản thân được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển quê hương Kon Tum nói riêng và của đất nước nói chung”.

Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 2

Bích Nga

 


Tin liên quan