A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum

Biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia dài khoảng 1.137km, tiếp giáp với 10 tỉnh của Việt Nam và 09 tỉnh của Campuchia. Đường biên giới do lịch sử để lại cơ bản rõ ràng tuy nhiên phần lớn chưa được phân giới cắm mốc (PGCM), ở một số đoạn có sự nhận thức khác nhau giữa ta và Campuchia về chủ quyền. Việc giải quyết vấn đề biên giới với Campuchia hết sức nhạy cảm, tác động trực tiếp đến quan hệ hai nước. Sau khi giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, từ năm 1982 đến năm 1985, Việt Nam đã đàm phán với Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia và ký kết được 04 Hiệp ước, Hiệp định về biên giới gồm: Hiệp định về vùng nước lịch sử ký ngày 07/7/1982; Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới ký ngày 20/7/1983; Hiệp định về Quy chế biên giới ký ngày 20/7/1983; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27/12/1985.

IMG_5954

Đội PGCM số 01 Kon Tum và đội PGCM số 6 Campuchia song phương khảo sát vị trí mốc phụ 5/2

Sau khi ký Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, hai bên đã tiến hành phân giới được hơn 200/1.137km đường biên và cắm được 72/322 mốc giới dự kiến. Tuy nhiên sau 03 năm tiến hành, công tác PGCM phải tạm dừng do tình hình Campuchia không ổn định và phía Campuchia cho rằng việc chuyển vẽ bản đồ có sai sót, bất lợi cho Campuchia. Gần 20 năm sau, công tác PGCM vẫn chưa được nối lại. Trong khi các thế lực trong và ngoài nước Campuchia liên tục lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ để chống Việt Nam, chia rẽ quan hệ Việt Nam – Campuchia, yêu sách đòi xóa bỏ các Hiệp ước, Hiệp định về biên giới đã ký với Việt Nam, ta tiếp tục kiên trì với đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác, hữu nghị, tranh thủ mọi cơ hội để nối lại đàm phán, tiếp tục khẳng định giá trị của các Hiệp ước, Hiệp định nói trên.

Sau chuyến thăm Campuchia của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh vào tháng 3/2005, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo trong đàm phán để đi đến thỏa thuận và ký kết “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” tại Hà Nội do Thủ tướng hai nước ký kết; đến ngày 06/12/2005, hai bên đã trao đổi văn kiện phê chuẩn tại Phnôm Pênh để Hiệp ước bổ sung có hiệu lực thi hành.

Ý nghĩa quan trọng nhất của Hiệp ước bổ sung là khẳng định lại giá trị của những Hiệp ước, Hiệp định mà ta đã ký với Campuchia trong những năm 80, đẩy lùi âm mưu của các phe phái, thế lực thù địch tìm cách xóa bỏ, nhất là Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985. Bằng việc ký kết Hiệp ước bổ sung, hai bên đã thể hiện thiện chí giải quyết những vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ thông qua thương lượng hòa bình, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để nối lại tiến trình PGCM, tiến tới giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia, tạo cơ sở cho việc tăng cường hợp tác, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển. Hiệp ước bổ sung không những đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ lợi ích quốc gia Việt Nam mà còn hỗ trợ Chính phủ Campuchia phát triển, đứng vững, tạo thế và lực trong quan hệ Việt Nam – Campuchia.

Tỉnh Kon Tum có đường biên giới tiếp giáp với Lào (154,222km) và Campuchia (138,3km). Trong đó tuyến biên giới tiếp giáp với Campuchia có địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng rậm, đồi núi cao, nhiều sông suối chia cắt, địa hình phức nên việc đi lại rất khó khăn. Hai huyện đối biên với tỉnh Kon Tum là Đôn Mia và Tà Vêng thuộc tỉnh Rattanakiri – Campuchia với dân cư tập trung sinh sống chủ yếu ở sâu trong nội địa. Mặc dù tuyến biên giới Kon Tum giáp Campuchia có ít dân cư sinh sống ở cả hai bên biên giới, tuy nhiên lại từng là khu vực biên giới nhạy cảm trong các vấn đề như: Xâm canh của dân làng Tà Ngà – xã Nhang – huyện Đôn Mia (làng có dân cư sinh sống giáp biên của Campuchia); hoạt động tuyên truyền, vu cáo Việt Nam ủi đường xâm lấn đất Campuchia và kích động người dân xã Nhang sang xâm canh của Đảng Samrainsy; hoạt động của các thế lực thù địch, tổ chức phản động từ bên ngoài tác động, lôi kéo hậu thuận cho số FULRO trong nội địa kích động người dân tộc thiểu số trốn sang Campuchia. Ngoài ra, các hoạt động vượt biên trái phép, khai thác lâm sản, săn bắn trái phép thường xuyên xảy ra trên dọc tuyến biên giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác PGCM.

Thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh hoạt động PGCM biên giới Việt Nam – Campuchia của Tổng cục An ninh và Quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác PGCM biên giới giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) với tỉnh Rattanakiri (Campuchia) của UBND tỉnh Kon Tum, Công an tỉnh Kon Tum đã giao cho Phòng Bảo vệ Chính trị trị I (nay là Phòng An ninh đối ngoại) chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh cho hoạt động PGCM trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia địa bàn tỉnh Kon Tum, đồng thời cử cán bộ trực tiếp tham gia Đội PGCM số 1 của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động PGCM.

Với đặc điểm địa hình khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia tại địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu là đồi núi cao, công tác PGCM biên giới gặp không ít khó khăn trong quá trình công tác tại thực địa như: Điều kiện khí hậu khu vực biên giới rất khắc nghiệt, mưa rừng kéo dài, khu vực đóng lán trại tập kết nằm trong rừng sâu, ẩm thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ trực tiếp làm công tác PGCM; trong quá trình khảo sát, đo đạc tại thực địa và xây dựng mốc, việc các thành viên trong đội gặp các loại độc vật nguy hiểm, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, rủi ro do địa hình phức gây tai nạn cho đội PGCM luôn thường trực; các vị trí mốc đều nằm trên đỉnh núi cao có độ cao từ 700m trở lên, không có đường ô tô nên chủ yếu phải đi bộ mất từ 5 đến 8 giờ từ nơi đóng lán trại mới đến được khu vực xác định vị trí mốc, có vị trí mốc các bộ đội PGCM phải ngủ lại trong rừng 2 – 3 đêm mới trở về lán trại.

Đồng chí Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng An ninh Đối ngoại từng là thành viên đầu tiên của Đội PGCM số 1 tỉnh Kon Tum chia sẻ kỉ niệm trong khoảng thời gian bắt đầu tiến hành các hoạt động khảo sát thực địa phục vụ hoạt động PGCM tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia: “Trong những năm 2006 – 2010, mỗi đợt đợt khảo sát thực địa để chuẩn bị cho cho hoạt động PGCM thường kéo dài từ 1 đến 2 tháng, đội công tác sẽ di chuyển liên tục và ở trên khu vực biên giới, điểm tạm nghỉ sau một ngày thực hiện nhiệm vụ thường là các đồn, trạm biên phòng hoặc dựng lán trại trong rừng. Vì thế khâu chuẩn bị luôn hết sức quan trọng từ lương thực, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men… nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cũng như tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt của khu vực rừng núi biên giới; những mối nguy hiểm có thể đến từ các loại độc vật như rắn, rết, bọ cạp, muỗi, vắt… hoặc từ tự nhiên như mưa lớn gây lũ cuốn, lũ quét, sạt lở đất, cây gãy đổ… Chỉ cần một thành viên trong đội không đảm bảo sức khỏe hoặc gặp tai nạn thì cả đội sẽ phải hủy kế hoạch và quay về. Mặc dù điều kiện thực tế hết sức rất khó khăn nhưng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó, có ý nghĩa to lớn đối với Tổ quốc nên các thành viên trong Đội luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ, động viên nhau hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra, không để xảy ra các thiệt hại nghiêm trọng về người, phương tiện khi tham gia phục vụ hoạt động PGCM”.

Vượt qua những khó khăn vất vả đó, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại – Công an tỉnh đã chung sức, đồng lòng cùng các thành viên trong Đội PGCM số 01 tỉnh Kon Tum hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến thời điểm hiện tại, công tác PGCM tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum đã đạt được kết quả hết sức tích cực, hoàn thành 99% khối lượng công việc PGCM trên tuyến, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động PGCM được đảm bảo, chưa để xảy ra các vụ việc phức tạp, hậu quả nghiêm trọng liên quan đến công tác PGCM… Năm 2019, tỉnh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao về thành tích PGCM song phương đạt được trên thực địa khi cùng đánh giá với các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia. Chia sẻ về những kết quả đạt được trong công tác PGCM của tỉnh Kon Tum, bà Y Ly Trang – Giám đốc Sở Ngoại vụ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo PGCM tỉnh Kon Tum cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự đoàn kết, nỗ lực của Đội PGCM tỉnh Kon Tum và của phía bạn Campuchia, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân khu vực biên giới đã giúp công tác PGCM biên giới Việt Nam – Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình mốc. Quá trình thực hiện nhiệm vụ PGCM trên thực địa đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người và tài sản. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của Đội PGCM nói riêng và của tỉnh Kon Tum nói chung”.

IMG_2100

Đội PGCM hai nước song phương khảo sát hoạt động xây dựng mốc biên giới

Từ năm 2006 đến năm 2020, sau gần 15 năm tiến hành công tác PGCM, đến nay, tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Kon Tum đã hoàn tất việc xác định 24 vị trí cắm mốc và hoàn tất việc xây dựng 30 cột mốc chính. Điểm đặc biệt trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia đó là vị trí mốc chính số 0 – Mốc ngã ba biên giới giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, là thành quả hữu nghị của ba nước có cung điểm giao nhau của đường biên giới và cũng là địa điểm thăm quan du lịch mà bất cứ du khách nào khi đến Kon Tum đều muốn ghé thăm.

Sự kiện ký kết các văn kiện pháp lý giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia ghi nhận 84% thành quả PGCM tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2006 – 2019, đánh dấu bước tiến quan trọng và có ý nghĩa to lớn về mặt pháp lý cũng như về mặt lịch sử đối với tiến trình giải quyết việc phân định đường biên giới đất liền giữa hai nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, củng cố mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam – Campuchia và tạo môi trường an ninh, an toàn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của hai nước trong hiện tại và tương lai.

Phan Ngọc Tiên