A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh có Công văn số 2894/UBND-NNTN ngày 15/8/2024 về việc tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; các cơ quan, đơn vị nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đồng thời tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, công dân nơi cư trú cùng thực hiện. Mỗi cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại cơ quan, đơn vị; thành lập tổ, đội vệ sinh giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại và đưa vào nội quy, quy chế của cơ quan, lấy đó làm cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trên cơ sở tài liệu phục vụ công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nghiên cứu, tham khảo, xây dựng tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các sở, ban ngành và UBND các cấp để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Tổng hợp đề xuất bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, thành phố đảm bảo theo Quy hoạch tỉnh. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; UBND các cấp và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch, lộ trình triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, thành phố. Quy hoạch, bố trí và đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để xác định địa điểm, thời gian, tần suất, tuyến thu gom và lộ trình di chuyển của các phương tiện vận chuyển để đảm bảo công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.


Tác giả: BBT