A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 19/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 51-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị "về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Chương trình số 51-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đó là:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-01-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11-11-2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 23-8-2022 của Tỉnh ủy và Chương trình này nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tầng lớp Nhân dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa giữa phát triển đô thị hiện đại, thông minh với thân thiện môi trường, giàu bản sắc và các yếu tố văn hóa đặc trưng.

Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24-01-2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 148/NQ-CP, ngày 11-11-2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 23-8-2022 của Tỉnh ủy, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị trên địa bàn; xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt các quy hoạch liên quan đến đô thị; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển đô thị vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm và theo giai đoạn của địa phương.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Rà soát, phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các đô thị hiện có và đô thị mới. Nghiên cứu, lập và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch không gian ngầm tại các đô thị.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và chương trình phát triển đô thị từng đô thị. Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị và cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện có; hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị.

Quản lý thị trường bất động sản, kiểm soát và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng và khai thác quỹ đất phụ cận để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hoàn thiện các quy định, chế tài để xử lý nghiêm các vi phạm trong quy hoạch và các dự án nhà ở, khu đô thị chậm triển khai; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các ngành, các cấp liên quan trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị. Bố trí đủ quỹ đất và ngân sách hợp lý, ràng buộc rõ trách nhiệm của chủ đầu tư các khu đô thị đối với việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cho cư dân; xã hội hoá, khuyến khích các doanh nghiệp cùng đầu tư.

Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị. Xây dựng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành gắn với nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức về quản lý đô thị của địa phương. Triển khai và đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh. Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị.

Ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp, kết hợp với huy động nguồn lực từ xã hội để thực hiện các nhiệm vụ phát triển đô thị, nhất là nguồn lực phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị như dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ. Nâng cấp hạ tầng và hoàn thiện hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp, tăng cường năng lực phòng, chống và giảm thiểu thiên tai, dịch bệnh tại các đô thị. Có định hướng và giải pháp phát triển các vùng đệm xanh xung quanh các đô thị; phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp xanh phục vụ đô thị; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng như vỉa hè trong phát triển kinh tế khu vực đô thị. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh và các hội nghề nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động thành viên, đoàn viên, hội viên đồng thuận, tích cực hưởng ứng, đóng góp nguồn lực cho phát triển đô thị; tham gia phản biện, giám sát quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, các dự án, chương phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình này./.


Tác giả: Khánh Vi