A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm, chất nổ khai thác nguồn lợi thủy sản

Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kế hoạch số 154-KH/TU ngày 20-6-2024 thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản". 

Tham gia công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của nước ta

Tại Kế hoạch, Tỉnh ủy yêu cầu thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 32-CT/TW, Kế hoạch này và chính sách, pháp luật có liên quan để các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định đã được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thuỷ sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của Uỷ ban Châu Âu trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo; tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, vị thế của Việt Nam với quốc tế. 

Chủ động nắm bắt, thông tin các nỗ lực và kết quả đạt được của Việt Nam trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Tích cực tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu liên quan đến việc khai thác thủy sản của ngư dân và chính sách, giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của nước ta. 

Thường xuyên rà soát, nắm chắc số lượng thuyền viên, người lao động của địa phương tham gia các tàu, đội tàu đánh bắt hải sản trên các ngư trường (nếu có) để kết nối thông tin liên lạc, phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở và gia đình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, không tham gia các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, nhất là ở vùng biển nước ngoài. 

Phát triển bền vững ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh

Rà soát, xác định diện tích mặt nước có tiềm năng, lợi thế về khai thác, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống các sông, hồ, lòng hồ thủy điện để xây dựng phương án khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn. 

Thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo hướng hữu cơ, sinh thái; liên kết với hợp tác xã, hộ gia đình xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nuôi trồng thủy sản của địa phương. Trong đó, nuôi trồng các loài thủy sản truyền thống, kết hợp với phát triển các loài đặc sản có giá trị kinh tế nhằm tạo ra sản lượng lớn để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến đến xuất khẩu. -

Tăng cường quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, kết hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật với xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm, chất nổ, phương pháp, phương tiện, ngư cụ có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đầu tư nguồn lực nhà nước, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác đầu tư công phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản. Củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về thủy sản các cấp. 

Tăng cường hợp quốc tế về thủy sản; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.


Tác giả: BBT