A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường tuyên truyền, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền trên địa bàn tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 707/STTTT-TTBCXB ngày 25/4/2023 về việc tăng cường tuyên truyền, đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đảm bảo quyền con người.

Tiếp tục tuyên truyền, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về thành tựu công tác nhân quyền ở Việt Nam và của tỉnh Kon Tum; trong đó, nêu bật Sáng kiến của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới, 30 năm Tuyên bố Viên và chương trình hành động của Việt Nam; các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc; thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, nhất là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động (theo Công ước 87, 105, 138, 97 mà Việt Nam đã ký kết).

Tăng cường xây dựng bài viết, phóng sự đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc các nội dung đánh giá không khách quan, chính xác về tình hình nhân quyền của Việt Nam theo công bố tại Báo cáo tình hình nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2022; tuyên truyền nỗ lực thực hiện các cam kết của Việt Nam khi là thành viên của Công ước chống tra tấn (CAT); khẳng định Việt Nam không có tù nhân lương tâm, việc đảm bảo quyền tự do của con người, quyền của công dân phải theo thượng tôn pháp luật.

Các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về quyền con người ở Việt Nam; Đồng thời, khai thác và chia sẻ các tin, bài, video, phóng sự viết về thành tựu nhân quyền từ các website điện tử, trang báo điện tử của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Công an Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng, và truy cập Trang thông tin điện tử “nhanquyen.org”, 02 fanpage “Nhân quyền Việt Nam”, “Tin tức vùng cao”...trên trang tin và các nền tảng mạng xã hội do đơn vị quản lý nhằm thông tin rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh biết.

Yêu cầu Trung tâm Văn hóa -Thể thao - Du lịch và Truyền thông các huyện, thành phố triển khai tuyên truyền trên hệ thống Truyền thanh của huyện, thành phố thường xuyên thông tin, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình nhân quyền Việt Nam và của tỉnh. Trong đó, nêu bật thành tựu của địa phương trong đảm bảo quyền con người, quyền của người dân tộc thiểu số, các quyền dân sự chính trị bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do internet, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách của Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động theo chỉ đạo của chính quyền các cấp.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan