A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh ban hành Kế hoạch tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024 với chủ đề: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Kế hoạch nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trọng tâm là hình thành thói quen của người điều khiển phương tiện giao thông tự giác chấp hành quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe”, “Không phóng nhanh vượt ẩu”, góp phần thực hiện chủ đề của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2024 với chủ đề: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Các nội dung tuyên truyền gồm:

Tập trung thông tin, tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông năm 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Tuyên truyền quy định Luật giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đổi mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện... Kế hoạch số 3697/KH-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở giai đoạn 2020-2025. 

Đẩy mạnh tuyên truyền trong tháng an toàn giao thông, hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông" năm 2024; tuyên truyền đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trong ngày dịp Lễ, Tết, các sự kiện đông người tham gia giao thông v.v.. để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân nói chung và người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nói riêng. 

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nền tảng mạng xã hội với nội dung phong phú, thiết thực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, chú trọng tuyên truyền “Không điều khiển xe phóng nhanh - vượt ẩu”, “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Không sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh khi lái xe”, “Không chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng”, “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”...; cảnh báo các nguyên nhân chính gây TNGT, hậu quả của TNGT,…; chế tài xử lý nếu người tham gia giao thông vi phạm; lên án hành vi vi phạm và đồng tình ủng hộ công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Khẩu hiệu tuyên truyền - “Tuân thủ tốc độ quy định khi lái xe” - “Đã uống rượu, bia không lái xe” - “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường” - “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy” - “Tính mạng con người là trên hết” - "An toàn giao thông – trách nhiệm của mỗi người" - "An toàn giao thông – hạnh phúc của mọi người, mọi nhà". 

Tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATGT đường bộ, đường thủy nội địa; Chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGTQG, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về TTATGT, vận động xây dựng “văn hoá giao thông” cho người tham gia giao thông; xây dựng điển hình các địa phương, đơn vị, cơ quan, trường học không có người vi phạm TTATGT và hạn chế TNGT liên quan đến rượu, bia; tuyên truyền vận động nhân dân phòng, chống tác hại của rượu, bia, thực hiện đã uống rượu, bia không lái xe…

Tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATGT là nguyên nhân gây tai nạn cho người tham gia giao thông; mức xử phạt và hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông nói chung và có liên quan. 

Tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, xử lý tình huống an toàn khi tham gia giao thông đế hình thành văn hóa tham gia giao thông, nhất là đổi với giao thông đường bộ; cách ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; giới thiệu các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn giao thông tại các nước trên thế giới.

Trong lĩnh vực giao thông đường bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền về quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng; hành vi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông; phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra. Tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc phương tiện “xanh” (như xe đạp, đi bộ) nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt tại trung tâm thành phố, huyện tập trung đông dân cư. 

Trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa: Thường xuyên tuyên truyền các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, trong hoạt động chở khách du lịch, chở khách trên sông; chủ phương tiện, người lái phương tiện đường thủy nâng cao điều kiện bằng, chứng chỉ điều khiển phương tiện, kiểm định định kỳ an toàn kỹ thuật phương tiện; vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nối cá nhân. 

Trong phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông liên quan đến bia rượu của các thành viên trong gia đình, thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. 

Tuyên truyền người dân tham gia giao thông thực hiện các biện pháp an toàn khi trời đang mưa, bão, phải quan sát kỹ, lái xe cẩn thận và phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn; đặc biệt, phải duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước, để chủ động phán đoán, kịp thời xử lý tình huống và tránh tình huống nguy hiểm bất ngờ xảy ra; tuyên truyền những kỹ năng khi điều khiển phương tiện trên đường trong mùa mưa bão, như: không sử dụng ô (dù), không dừng, đỗ xe cạnh những cây to dễ xảy ra gãy, đổ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản, sử dụng áo mưa phù hợp, không che tầm mắt quan sát, bảo đảm đội được mũ bảo hiểm phía ngoài (thực hiện trước, trong và sau khi xảy ra mưa, bão). 

Tuyên truyền các giải pháp giảm ùn tắc giao thông đặc biệt tại các khu vực đông dân cư; trường học, chợ, việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. 

Tuyên truyền biểu dương các mô hình hay; các gương điển hình, các hành vi đẹp, tiêu biểu trong công tác bảo đảm an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông.


Tác giả: Khánh Vi