A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền về "Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022" và "Năm Đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào 2022"

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 32-HD/BTGTU tuyên truyền về "Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022" và "Năm Đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào 2022".

Mục đích của hướng dẫn nhằm thông tin tuyên truyền rộng rãi, có sức lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế về lịch sử, tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, từ đó, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân và sự ủng hộ của quốc tế; đồng thời, giáo dục truyền thống lịch sử, khích lệ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục vun đắp mối quan hệ đã được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam-Lào; mối quan hệ mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia dày công gây dựng và vun đắp.

Hoạt động tuyên truyền diễn ra trong cả năm 2022; trong đó hoạt động tuyên truyền về Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia tập trung cao điểm từ đầu tháng 6 đến hết tháng 8 năm 2022; hoạt động tuyên truyền về Năm Đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào tập trung cao điểm từ đầu tháng 7 đến hết tháng 9 năm 2022.

Về nội dung tuyên truyền Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia:

Thông tin, tuyên truyền về lịch sử quan hệ hai nước, các dấu mốc lịch sử quan trọng, những kết quả, thành tựu đã đạt được trong 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022). Sự gắn bó của nhân dân hai nước trong các giai đoạn lịch sử; những chia sẻ của lực lượng cách mạng hai nước trong giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giành độc lập dân tộc; những đóng góp, hi sinh của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ cùng nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Tuyên truyền về kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền; công tác quản lý biên giới; về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ký kết các văn bản pháp lý, công nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc trên thực địa và công tác quản lý tuyến biên giới theo các văn bản đã ký kết. Trong đó, nổi bật là thắng lợi của nhân dân hai nước đạt được trong quá trình triển khai các văn bản pháp lý, góp phần tạo sự đồng thuận, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân hai nước đối với các hoạt động bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, đặc biệt là tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc 16% đoạn biên giới còn lại. Phê phán, bác bỏ kịp thời các quan điểm sai trái, thông tin xuyên tạc về quan hệ hai nước, nhất là vấn đề biên giới đất liền giữa hai nước.

Tuyên truyền về kết quả, thành tựu trong hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng… giữa hai nước thời gian qua, trong đó, quan hệ chính trị tiếp tục giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong quan hệ hai nước; các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai nước, giữa lãnh đạo tỉnh Kon Tum với các tỉnh giáp viên ở Đông Bắc Campuchia; hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện biên giới với các tỉnh giáp biên của Campuchia.

Tuyên truyền Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967-24/6/2022); các hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm, hội chợ… khẳng định sự gắn bó của hai dân tộc láng giềng Việt Nam-Campuchia, luôn kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc.

Nội dung tuyên truyền về Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào:

Tuyên truyền về quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào qua các thời kỳ lịch sử, tập trung nhấn mạnh vào giai đoạn từ năm 1962 đến nay; làm rõ bản chất đặc biệt, ý nghĩa, bài học lịch sử của mối quan hệ vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào. Khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam là một điển hình, một hình mẫu hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.

Chú trọng tuyên truyền, làm nổi bật những thành tựu hợp tác mà hai nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào là quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục…, trong đó, quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước.

Ý nghĩa, tầm quan trọng của việt hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về quản lý biên giới đã đăng ký giữa hai nước; tuyên truyền, nâng cao vai trò của các địa phương và của cư dân khu vực biên giới trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ trên đất liền của Tổ quốc; nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh, trật tự tuyến biên giới; góp phần duy trì ổn định và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào.

Tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của hai sự kiện quan trọng là Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (059/1962) và Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977). Khẳng định ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn bó của hai dân tộc láng giềng Việt Nam-Lào, luôn cùng kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc. Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.

Chú trọng tuyên truyền, thông tin đậm nét về các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước; hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao, triển lãm, hội thảo của các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là các hoạt động của tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào.

 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan