A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước: Cần quy định cụ thể tiêu chí để đánh giá hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Phước bày tỏ đồng tình với việc ban hành dự án Luật này nhằm thể chế hóa Hiến pháp, phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước phát biểu tại Nghị trường (nguồn ảnh: quochoi.vn)

Đóng góp thêm ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi lừa dối, trong dự thảo Luật đã có quy định rõ ràng các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin minh bạch, chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; các biện pháp bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi có sự cố xảy ra do hàng hóa có khuyết tật hoặc do thông tin sai lệch; có biện pháp xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có hành vi lừa dối người tiêu dùng

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện xử lý các hành vi lừa dối người tiêu dùng còn bất cập, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định cụ thể tiêu chí đánh giá xem hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh có lừa dối người tiêu dùng hay không, dựa trên khả năng nhận thức, nhận dạng của người tiêu dùng thông thường. 

Cụ thể, cần quy định rõ phương pháp xác định dựa trên nội dung, hình thức, phương thức, phạm vi và thời gian của thông tin được cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; mức độ sai lệch hoặc thiếu sót của thông tin so với thực tế; mức độ ảnh hưởng của thông tin sai lệch hoặc thiếu sót đến quyết định mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng; mức độ nhận thức và khả năng nhận dạng của người tiêu dùng thông thường đối với thông tin sai lệch hoặc thiếu sót.

Về giải quyết tranh chấp tại Toà án đối với vụ án về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Mục 5 Chương V), đại biểu Trần Thị Thu Phước đánh giá: Qua rà soát cho thấy Điều 70 dự thảo Luật quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gần tương tự Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, đại biều đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn đặc thù thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại dự thảo Luật so với Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, đại biểu Trần Thị Thu Phước bày tỏ sự thống nhất với nội dung tiếp thu, chỉnh lý tại Điều 5 (chuyển từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ ” của người tiêu dùng), chỉnh lý Điều 39 (trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng) theo hướng không quy định lại mà dẫn chiếu nghĩa vụ chung, nghĩa vụ đặc thù trong giao dịch từ xa của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo Điều 37, 38 và chỉnh lý một số điểm khác để không làm phát sinh chi phí bất hợp lý, nghĩa vụ cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, để hoàn thiện hơn, đại biểu Trần Thị Thu Phước cũng đề nghị rà soát, chỉnh lý kỹ thuật theo hướng thay thế từ “trách nhiệm” bằng từ “nghĩa vụ” đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh cho thống nhất với quy định tại Điều 5. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 39 hoặc khoản 3 Điều 37 trách nhiệm bảo vệ thông tin người tiêu dùng theo quy định của pháp luật bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho rõ ràng, đầy đủ hơn.


Tác giả: Hoàng Phúc