Kiến nghị các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy
Ngày 30/01, Bộ Công an có Văn bản số 196/BCA-X05 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiến nghị các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy.
Năm 2022, Thanh tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng “việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy” đối với 03 UBND cấp tỉnh, 182 UBND cấp huyện, 59 Sở Xây dựng, 51 Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý khu kinh tế, 63 Phòng Cảnh sát sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, 317 UBND cấp xã, 03 doanh nghiệp cấp nước, 08 đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, 591 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức thực hiện công tác PCCC tại UBND các cấp được thanh tra còn một số hạn chế, khuyết điểm như: (i) Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền tại một số địa phương còn chậm, trong đó, có địa phương chưa thực hiện đầy đủ nội dung Quyết định số 630/QĐTTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC và Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC. (ii) Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp huyện, cấp xã về công tác PCCC chưa thường xuyên, hiệu quả; chất lượng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Việc thực hiện điều kiện bảo đảm an toàn PCCC tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, cơ sở được thanh tra, nhất là các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và cơ sở được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC có hiệu lực còn nhiều hạn chế, vi phạm. (iii) Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện trong việc thực hiện công tác PCCC còn chưa chặt chẽ, trong đó, còn có dự án, công trình được thẩm định, cấp phép khi chưa được thẩm duyệt về PCCC hoặc đã đi vào hoạt động, sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định. (iv) Việc bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC tại nhiều địa phương còn hạn chế, nhất là kinh phí trang bị phương tiện và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng. Công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng các đơn vị Cảnh sát PCCC thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện chưa được quan tâm, chú trọng.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC, Bộ Công an đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi đạo thực hiện một số nội dung sau: (i) Rà soát, thực hiện đầy đủ các nội dung thuộc trách nhiệm theo chỉ đạo tại Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tưởng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. (ii) Tăng cường thanh tra, kiểm tra về PCCC, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Định kỳ kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện. Chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực thi hành. Công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát. (iii) Có văn bản phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC, có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện và chế tài xử lý trách nhiệm cụ thể. (iv) Bố trí kinh phí cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ nói chung, ưu tiên bố trí kinh phí tập huấn, trang bị phương tiện và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng; xây dựng trụ sở, doanh trại cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm điều kiện cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công an (qua Thanh tra Bộ Công an) trong tháng 9/2023 để tập hợp, báo cáo Chính phủ./.