A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công an Kon Tum 70 năm truyền thống lịch sử (19/8/1945-19/8/2015)

 

Từ những đội ‘Tự vệ đỏ’ của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931, các đội “Tự vệ Công – Nông”, “Đội trinh sát”, “Đội danh dự trừ gian” trong những năm 1940-1945, là tiền thân của lực lượng Công an nhân dân ngày nay, đã cùng với các lực lượng chính trị và vũ trang cách mạng bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, trừ gian, diệt ác, đập tan bộ máy đàn áp của chế độ cũ, góp phần thiết lập chính quyền. Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công cũng là ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

 

Ra đời ngay từ buổi đầu kỷ nguyên mới của đất nước sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ thường xuyên chăm lo giáo dục, rèn luyện, được nhân dân tin cậy và giúp đỡ, 70 năm qua, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam nói chung, Công an nhân dân Kon Tum nói riêng đã ngày càng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi chiếm lĩnh và đập tan các cơ quan đầu não của địch, làm cho bộ máy cai trị của chúng tan rã, ở Bắc bộ đã thành lập sở Liêm Phóng và sở Cảnh sát, ở Trung bộ thành lập Sở Trinh sát, ở Nam bộ thành lập ‘Quốc gia tự vệ cuộc’. Sau Cách mạng tháng Tám, đồng thời với các hoạt động trấn áp bọn phản Cách mạng, lực lượng Công an đã cùng với quân đội đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ chiến khu trở về Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông nam Á. Trong ngày hội trọng đại này, lực lượng Liêm Phóng, lực lượng Cảnh sát cùng với các lực lượng vũ trang khác đã bảo vệ tuyệt đối an toàn buổi lễ.

Năm 1946, lực lượng Công an cả nước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống các thế lực phản cách mạng, bọn Nhật, Pháp, Tàu, Tưởng và bọn lưu manh, côn đồ cướp của, giết người, âm mưu làm mất ổn định an ninh trật tự, bạo lọan lật đổ chính quyền Cách mạng còn non trẻ. Nổi bật nhất là Nha Công an đã tấn công vào trụ sở của bọn Quốc dân đảng ở số nhà 07 phố Ôn Như Hầu và số nhà 80 phố Quán Thánh (Hà Nội), tiêu diệt và bắt sống các ổ phản động ở đây, đập tan âm mưu bạo loạn của bọn Quốc dân Đảng. Ngày 19/7/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị ‘phá hội tề’. Trong phong trào phá tề trừ gian đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí của CBCS Công an ngay trong lòng địch. Điển hình là đồng chí Trần Văn Châu, đội trưởng đội Công an xung phong Ký con (Nam Định) đã cùng đồng đội tích cực hoạt động trong lòng địch, diệt nhiều tên Việt gian hại nước, đồng chí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một tấm áo lụa.

Ngày 16/02/1953, Bộ chính trị TW Đảng thông qua kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Lực lượng trị an hành chính cùng lực lượng khác của ngành Công an được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ những kinh nghiệm bảo vệ chiến dịch Tây Bắc; với qui mô và tầm quan trọng của chiến dịch, ngành Công an đã thành lập ‘Ban Công an tiền phương’. Trong quá trình tham gia bảo vệ chiến dịch, lực lượng trị an hành chính đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ trộm cắp tài sản, hàng hóa của Nhà nước mà bọn buôn lậu đã lợi dụng con đường dân công để hoạt động. Cùng với công tác bảo vệ, lực lượng vũ trang, lực lượng trị an hành chính kết hợp với các lực lượng khác đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn lãnh tụ, các cơ quan đầu não chỉ đạo chiến dịch. Mặc dù trong tình hình chiến sự xảy ra ngày càng ác liệt, địch có nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và lũng đoạn nội bộ của ta, song với tinh thần quyết tâm, anh dũng, kiên cường cùng với các lực lượng vũ trang khác, lực lượng Công an đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của ta. Chiều ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ, lực lượng “trị an hành chính ‘tiền thân” của “Cảnh sát xung phong’, Cảnh sát trật tự đã cùng với các lực lượng khác trong ngành công an và toàn quân, toàn dân lại tiếp tục nhiệm vụ mới bảo vệ Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Công an nhân dân vừa bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chiến đấu mưu trí, dũng cảm, tiêu diệt các toán gián điệp, biệt kích mà Mỹ – ngụy tung ra phá hoại miền Bắc, vừa chi viện cho các lực lượng an ninh ở miền Nam. Với nhiệm vụ to lớn đó, Công an nhân dân đã bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân; đồng thời bóc gỡ các tổ chức gián điệp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cài lại, ngăn chặn và đập tan âm mưu gây bạo loạn của các tổ chức phản động. Được quần chúng nhân dân hỗ trợ, lực lượng Công an nhân dân đã truy quét và làm tan rã nhiều ổ, nhóm phỉ hoạt động ở các vùng rừng núi dọc biên giới Việt – Trung, tiêu diệt và bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ – ngụy tung ra để phá hoại miền Bắc, bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm.

Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, lực lượng an ninh miền Nam đã kiên cường bám đất, bám dân, chủ động diệt ác, phá kìm, làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp và hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch, góp phần vào việc bảo vệ phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, bảo vệ an toàn các căn cứ địa cách mạng. Qua các cao trào cách mạng như Đồng khởi năm 1960, chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng Công an nhân dân đã góp phần quan trọng vào chiến thắng huy hoàng của dân tộc – giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tạo nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cùng với lực lượng Công an nhân dân cả nước, lực lượng Công an nhân dân Kon Tum cũng được ra đời từ mùa thu Cách mạng tháng Tám. Để bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ, ngày 25/8/1945, Uỷ ban cách mạng tỉnh Kon Tum ra quyết định thành lập “Ty trinh sát Kon Tum”, tổ chức đầu tiên của Công an Kon Tum. Lực lượng lúc này chỉ có khoảng 20 đồng chí từ tổ chức thanh niên tiền phong chuyển sang làm công tác Công an, nên bước đầu còn nhiều lúng túng, bỡ ngỡ, trang bị đơn sơ. Nhưng với tinh thần yêu nước nồng nàn, vừa học hỏi, vừa làm rút kinh nghiệm; được sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, sự lãnh đạo trực tiếp của mặt trận Việt Minh và Uỷ ban cách mạng, lực lượng Công an Kon Tum bước đầu cùng với các lực lượng vũ trang khác nhanh chóng ổn định cuộc sống cho nhân dân, giữ vững ANCT và TTATXH.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng Công an Kon Tum vừa củng cố phát triển lực lượng, vừa sát cánh cùng với lực lượng vũ trang đập tan mọi âm mưu phá hoại và hoạt động gián điệp, biệt kích của địch, giữ vững ANTT vùng tự do, các khu căn cứ cách mạng, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng; tổ chức lực lượng luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm để xây dựng cơ sở cách mạng tiến hành các hoạt động điệp báo, phá tề, trừ gian, diệt ác, trấn áp bọn phản cách mạng, tạo thuận lợi cho đấu tranh chính trị và vũ trang của quân, dân trong tỉnh, góp phần tích cực vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Công an Kon Tum đã kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch; tích cực, hăng hái tham gia các cao trào cách mạng. Năm 1962, ở tỉnh Kon Tum tình hình chiến sự hết sức căng thẳng, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường công tác xây dựng cơ sở cách mạng, phát động phong trào quần chúng tham gia phòng gian, bảo mật, bảo vệ an toàn khu căn cứ. Để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn này, tháng 4/1962, Bộ công an đã cử 07 đồng chí vào tăng cường cho Công an tỉnh Kon Tum gồm: Đ/c Lê Quốc Thành, Đ/c Thái An, Đ/c Ngọc Anh, Đ/c Trung, Đ/c Lan, Đ/c Thanh, Đ/c Triều. Khi đoàn vào đến Kon Tum đã bắt tay ngay vào việc củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng. Được sự hướng dẫn của Bộ công an và an ninh khu, Công an tỉnh Kon tum đã tiến hành xây dựng tổ chức, nhiệm vụ an ninh các cấp: Đ/c Phan Phụ (Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban An ninh), Đ/c Đặng Hoàng (Phó ban trực), các phòng gồm: Văn phòng (B1), Bảo vệ nội bộ, Phong trào trị an, Chấp pháp, An ninh điệp báo, Trinh sát vũ trang. Các ban an ninh gồm: Ban an ninh H5 (thị xã Kon Tum), Ban an ninh H24 (huyện Konplông), Ban an ninh H80 ( huyện Đăk Tô), Ban an ninh H30 (huyện Đăk glei), Ban an ninh H67 (huyện Sa Thầy).

Nhiệm vụ của Công an Kon Tum lúc bấy giờ là bảo vệ an toàn các khu căn cứ, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo đi công tác; nắm tình hình âm mưu thủ đoạn của các tổ chức tình báo, gián điệp, cảnh sát, đảng phái phản động, bọn tề ngụy ác ôn, đầu sỏ; phát động quần chúng tham gia tiêu diệt bọn tề ngụy, điệp báo, ác ôn, hỗ trợ cho phong trào không ngừng phát triển.

Tại tỉnh Kon Tum thời kỳ này địch liên tục mở các đợt hành quân càn quét trên qui mô lớn vào các vùng căn cứ và ngoại ô Thị xã Kon Tum. Chúng đẩy mạnh các hoạt động tình báo, chiến tranh tâm lý, dồn dân lập ấp. Với những thủ đoạn nham hiểm, xảo quyệt, địch đã dồn, bắt, xây dựng được 234 làng gồm 26.734 người. Đời sống nhân dân ở các khu dồn dân hết sức khó khăn, bần cùng. Trước những âm mưu thủ đoạn mới của địch, Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo lực lượng Công an tập trung phát động quần chúng phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan, cán bộ lãnh đạo, bảo vệ đường dây vận chuyển vũ khí, lương thực, hành lang trú quân tại địa phương và sẵn sàng đánh trả tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ.

Trong những tháng đầu năm 1966 để phục vụ cho âm mưu phản công mùa khô lần thứ nhất của Mỹ tại Tây Nguyên, địch tăng cường thêm lực lượng. Ở Kon Tum, chúng lập 04 đoàn Bình định nông thôn với hơn 800 tên với mục tiêu là nhằm tiêu diệt quân chủ lực, đánh phá khu căn cứ, khai thông các tuyến giao thông chiến lược. Nắm được âm mưu của địch, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, toàn bộ lực lượng vũ trang Kon Tum đã tích cực đánh địch. Các lực lượng vũ trang của ta đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch, bảo vệ an toàn các vị trí chiến lược. Đặc bịêt, trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, các lực lượng an ninh đã tiêu diệt tại chỗ 153 tên địch, 163 tên Việt gian và biệt kích, bắt 30 tên, cảnh cáo 47 tên, giáo dục khống chế 64 tên. Đột nhập 39 lần vào trung tâm thị xã, phá kìm ở 12 ấp và đánh tan 1 bót Cảnh sát tại Đăk Tô. Từ đây, cùng với toàn quân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, lực lượng Công an tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, góp phần to lớn vào chiến dịch đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này, lực lượng Công an Kon tum đã chịu đựng nhiều gian khổ hy sinh, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, sự tuyệt đối trung thành với Đảng, góp phần làm nên trang sử vàng, tô đậm thêm lá cờ truyền thống của lực lượng CAND. Và trong cuộc chiến tranh này, nhiều tập thể, gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của lực lượng Công an Kon tum đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quí, trong đó có 06 tập thể và 03 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là đội Trinh sát vũ trang A25 Tây Bắc Kon tum, Ban An ninh H80 (Đăk Tô), Ban Công an xã Ngọc Lây (Đăk Tô), Ban Công an xã Mô Rây (Sa Thầy) CBCS B8 (Tức lực lượng Cảnh sát bảo vệ ngày nay), Trại cải tạo H30, 03 cá nhân anh hùng LLVTND: Liệt sỹ Ngô Tiến Dũng, Liệt sỹ Nguyễn Văn Hoàng và Liệt sỹ Phan Văn Viêm. Những thành tích này thật sự là niềm tự hào, là vinh dự của toàn lực lượng Công an tỉnh nhà.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, lịch sử Việt Nam chuyển sang trang mới với hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những ngày đầu giải phóng trên mảnh đất Kon Tum bên cạnh những thuận lợi thì tình hình Cách mạng còn nhiều khó khăn, phức tạp nhất là trước âm mưu thâm độc xảo quyệt của các thế lực phản động, thù địch và bọn tội phạm khác, chúng luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng, gây rối An ninh chính trị và trật tự an toàn xã  hội, phá hoại cuộc sống bình thường của nhân dân. Thực trạng tình hình trên đặt ra nhiệm vụ cho lực lượng Công an tỉnh Kon Tum rất nặng nề và khẩn trương. Lực lượng Công an Kon Tum lại bước vào cuộc chiến đấu mới không kém phần gay go, quyết liệt và mất mát, hy sinh. Song với tinh thần quả cảm, tiếp bước cha anh đi trước, lực lượng Công an Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ, kề vai sát cánh với các lực lượng vũ trang khác triệt phá hàng chục tổ chức phản động mới, đấu tranh, làm tan rã tổ chức và hoạt động của bọn FulRô, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

Bước sang thời kỳ đổi mới, bên cạnh những thuận lợi cơ bản từ nền kinh tế thị trường, từ quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa thì đất nước ta cũng đứng trước những khó khăn, thách thức, có lúc, có nơi gay gắt, phức tạp. Thực trạng tình hình đó đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nhiệm vụ hết sức nặng nề. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của Ngành, toàn lực lượng Công an nhân dân Kon Tum đã không quản gian lao, vất vả, mưu trí, dũng cảm, đấu tranh với các thế lực phản động và bọn tội phạm khác, bảo vệ vững chắc ANQG và TTATXH; giữ vững an ninh trật tự ở địa phương, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới ổn định và phát triển đất nước.

Mặt khác, trước những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường, đã nảy sinh những ảnh hưởng những phức tạp mới, các thế lực thù địch, phản động và bọn tội phạm ráo riết đẩy mạnh các họat động chống phá cách mạng, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, hòng làm mất ổn định chính trị xã hội và làm cho tình hình an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp. Xuất phát từ thực tiễn tình hình trên, Công an tỉnh vừa chăm lo xây dựng lực lượng Công an trong sạch vững mạnh theo hướng chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vừa chủ động đề ra nhiều chủ trương, kế  hoạch, biện pháp công tác bảo vệ an ninh Quốc gia, đảm bảo TTATXH. Kết qủa trong những năm thể hiện:

Trên lĩnh vực bảo vệ an ninh Quốc gia: các lực lượng Công an trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các lực lượng, nhất là với Bộ đội Biên phòng và Công an các huyện, xã có đường biên giới giáp Lào, CamPuChia tăng cường củng cố xây dựng phòng tuyến An ninh biên giới, kịp thời phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm quy chế biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh biên giới trong tình hình mới. Ngoài ra tích cực tham mưu cấp ủy chính quyền và phối hợp với các ngành, các lực lượng vũ trang khác thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tăng cường bảo vệ ANNB, tích cực vận động quần chúng đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu ‘Diễn biến hòa bình’ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ANCT ở địa phương.

Trên lĩnh vực bảo đảm TTATXH, các lực lượng Công an trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, vừa làm tốt công tác phòng ngừa, vừa chủ động tấn công liên tục các loại tội phạm hình sự, kinh tế, bài trừ các tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt các mặt quản lý Nhà nước về TTXH, lực lượng CSND đã thể hiện được vai trò tích cực và nòng cốt trong việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết 09/CP về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới và Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, Chương trình hành động phòng chống ma túy của Chính phủ… Những hoạt động đó đã tạo ra sức mạnh tổng hợp và khí thế mạnh mẽ tấn công trấn áp các loại tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh; công tác điều tra xử lý tội phạm được chú trọng, những vụ án điểm, nghiêm trọng luôn được chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, nhằm kịp thời đưa ra truy tố xét xử, đáp ứng yêu cầu chính trị ở địa phương tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân (tỷ lệ điều tra, làm rõ các vụ án đạt trên 70%, các vụ trọng án đạt trên 95%).

Để góp phần ổn định an ninh chính trị trên địa bàn, một trong những công tác mà toàn lực lượng Công an tỉnh đặc biệt chú trọng đó là thường xuyên đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với  nhiều biện pháp, hình thức phong phú; qua đó đã góp phần tích cực vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành mọi đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện tố giác tội phạm; giúp đỡ người lầm lỗi ở địa bàn dân cư trở thành người có ích cho xã hội; giúp đỡ lực lượng Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm; vận động được toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ; truy bắt các đối tượng truy nã… Thông qua phong trào này, từ năm 2005 đến nay, quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị giúp cơ quan chức năng phát hiện 7.425 vụ phạm pháp hình sự (trong đó PPHS về kinh tế, môi trường 1.131 vụ; PPHS về TTXH 5.943 vụ; PPHS về ma túy 351 vụ); Cảnh sát điều tra đã điều tra làm rõ 1.756 vụ; thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân hàng chục tỷ đồng…

Với những thành tích đó, lực lượng Công an tỉnh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được Chính phủ, Bộ Công an và các cấp uỷ, chính quyền địa phương  khen thưởng. Đặc biệt hơn trong dịp Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân và 10 năm ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Kon Tum đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Hòa trong không khí cả nước thi đua xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, một nước công nghiệp hiện đại, một xã hội tiến bộ thì các nhân tố  gây mất ổn định vẫn đang tiềm ẩn và có thể gây ra nhiều biến động phức tạp mới. Vì vậy, mỗi CBCS Công an nhân dân tỉnh Kon Tum luôn nhận thức sâu sắc tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, nêu cao bản lĩnh chính trị và ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ ANQG và bảo đảm TTATXH trong thời kỳ mới. Đồng thời từng bước đưa Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động ngày càng có hiệu quả trong đời sống xã hội.

Toàn lực lượng Công an tỉnh sẽ phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm Công an nhân dân Việt Nam chiến đấu, xây dựng và trưởng thành; khắc phục những tồn tại, yếu kém, ra sức xây dựng lực lượng ngày càng trong sạch, vững mạnh, theo hướng chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW4 (lần thứ XI) để luôn xứng đáng là lực lượng Công an nhân dân cách mạng đáng tin cậy, là cánh tay phải đắc lực của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.


Thái Ngân (phòng Tham mưu)