A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Lời căn dặn vô giá”

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân và dân tộc ta một di sản vô cùng quý giá và thiêng liêng, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Di sản đó không chỉ được phản ánh trong các tác phẩm, văn phẩm, bài nói và viết, mà còn được thể hiện trong hoạt động thực tiễn sôi nổi và hết sức phong phú của Người. Đặc biệt, trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử thấm đượm và kết tinh trong đó tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mở đầu di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Người tin chắc rằng, với sự chỉ đạo sáng suốt, tinh nhuệ của Đảng, với ý chí phi thường, tinh thần bất khuất trước kẻ địch của dân tộc và với sự đấu tranh vì chính nghĩa thắng lợi chắc chắn sẽ thuộc về toàn dân, toàn quân ta.

Người luôn phấn đấu, hy sinh cho khát vọng độc lập, tự do của dân tộc. Tư tưởng của Người đã trở thành lẽ sống, nhân sinh quan của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Là Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trước hết nói về Đảng”, trong công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải chú ý giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”; “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Thực hiện theo lời căn dặn của Người trong Di chúc về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tại Đại hội XII, Bộ Chính trị có chỉ thị rất quan trọng, đó là Chỉ thị 05/CT-TƯ: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Trong di chúc Người cũng quan tâm đến các thế hệ mai sau, những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh viết: “Đoàn niên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên””.

“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”

Thực hiện nội dung này, Đảng luôn quan tâm chăm lo bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Đảng luôn tin tưởng, phát huy tiềm năng, trí tuệ của thế hệ trẻ, tạo mọi điều kiện để họ cống hiến và trưởng thành. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã thực sự trở thành người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của lớp cha, anh đi trước. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn giỏi; trở thành những trí thức tài năng, những công nhân, những nông dân sản xuất giỏi, những doanh nhân thành đạt…

Đối với nhân dân lao động, trong Di chúc, Người hiểu rõ nỗi khổ của nhân dân: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.

Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Suốt cuộc đời của Người là chăm lo cho đời sống của nhân dân, Người mong muốn : “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Hồ Chí Minh dự báo cuộc chiến chống Mỹ có thể kéo dài nhưng “nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta sẽ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế. Người coi đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa là điều kiện quan trọng bảo đảm cho phong trào cộng sản và công nhân đến toàn thắng. Người viết: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đại đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình. Tôi tin rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh phản ánh trong Di chúc có tầm chiến lược, là những chỉ dẫn quan trọng của Đảng trong hoạch định đường lối, phương hướng, xác định nhiệm vụ, kế hoạch, chính sách, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm đưa đất nước phát triển bền vững, nhất là trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Cuối bản Di chúc, Hồ Chí Minh chia sẽ những dòng tâm sự  về “việc riêng” một cách hết sức khiêm tốn, giản dị. Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.” Những dòng chữ này nói lên phẩm chất đạo đức cao quý của một con người, một lãnh tụ cách mạng suốt đời chỉ biết phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước.

Điều mong muốn cuối cùng của Người đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt-nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.” Đó chính là mục tiêu sâu xa và động lực căn bản của chủ nghĩa xã hội, là sự chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, lấy con người làm mục tiêu và động lực, mà quan trọng và trực tiếp nhất là phải bảo đảm lợi ích và dân chủ, là thực hành dân chủ, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng.

Di chúc của Người sẽ luôn là ngọn đuốc rọi đường cho Đảng và Nhân dân ta tiến bước, mãi còn in đậm trong trái tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam.

Xuân Thành