A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong đổi mới công tác Thi đua, khen thưởng của Công an Kon Tum

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Người coi đây là một trong những biện pháp căn bản để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước vừa chứa đựng những giá trị khoa học, nhân văn cao cả, vừa bao hàm những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Ngày 11/6/1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn khó khăn, cam go và quyết liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Người kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Từ đây, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, phát động và tổ chức thực hiện ngày càng phát triển, gắn liền với lịch sử và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngày 11 tháng 6 hằng năm, Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc trở thành ngày truyền thống thi đua yêu nước ở nước ta.

Người cũng chỉ rõ, thi đua phải gắn liền với công tác khen thưởng. Khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua. “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng chính xác, kịp thời có tác dụng động viên, giáo dục và nêu gương, đồng thời cổ vũ thi đua phát triển lên tầm cao mới. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Vì vậy, việc đánh giá, bình chọn danh hiệu thi đua và xét khen thưởng phải đúng người, đúng việc, phải căn cứ vào tiêu chuẩn cụ thể, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Người yêu cầu: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”.

Người cũng chủ trương đa dạng các hình thức thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương và nhân rộng nhiều hơn nữa những tấm gương điển hình. Người cho rằng: “Số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sĩ thi đua được tặng huân chương, huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt việc tốt”. Bên cạnh hình thức tuyên dương Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, Người còn đề xuất hình thức tuyên dương gương người tốt, việc tốt để những việc bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng trong xã hội. Người cho rằng: “Những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường... Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”. Những người tốt, việc tốt đó cần và rất đáng được biểu dương, động viên, khen thưởng kịp thời và đúng mức để khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Bởi vì, nêu gương chính là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà Người đã nhận thức hết sức sâu sắc điều này “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO ANTT TRÊN ĐỊA BÀN KON TUM

Kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và khen thưởng, trong nhiều năm qua, Đảng ủy - lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng, thể hiện thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng của TW, Bộ Công an, UBND tỉnh ban hành. Nhiều phong trào thi đua được phát động, đặc biệt là phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”; phong trào thi đua yêu nước được khơi dậy và nhân rộng từ nhiều năm qua. Từ những phong trào này, đã xuất hiện những tập thể, cá nhân và các tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh và sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, tạo động lực mạnh mẽ và góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

  Kon Tum là tỉnh miền núi, ở Bắc Tây Nguyên với 10 đơn vị hành chính cấp huyện (09 huyện, 01 thành phố), 102 xã, phường, thị trấn (gồm 85 xã, 10 phường, 07 thị trấn), trong đó có 13 xã biên giới, 21 xã trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự (ANTT). Là địa bàn có số lượng người dân tộc thiểu số chiếm đa số (53%), phần đông là tín đồ tôn giáo, có đường biên giới đất liền dài với vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng tại khu vực ngã ba tiếp giáp Lào, Campuchia, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh vấn đề phức tạp liên quan dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn, tranh chấp, khiếu kiện đất đai, an ninh biên giới… Cùng với đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi; sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet với nhiều loại tội phạm mới nảy sinh, sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố an ninh phi truyền thống và tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường đến tư tưởng, đạo đức, lối sống cá nhân, do đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Kon Tum phải luôn linh hoạt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước để thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát phát triển, có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Xác định thi đua là biện pháp hữu hiệu, là nhân tố quan trọng giúp cho mỗi tập thể, cá nhân trong toàn Công an tỉnh Kon Tum hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực... Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất. Trong những năm qua, Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh luôn bám sát vào Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình công tác trọng tâm của lực lượng Công an xây dựng Nghị quyết của Đảng ủy, Chương trình công tác năm của Công an tỉnh, chủ động dự báo đánh giá sát tình hình, xác định nhiệm vụ công tác trọng tâm, từ đó chỉ đạo cụ thể hóa thành những tiêu chí, chỉ tiêu thi đua, xây dựng khẩu hiệu hành động cụ thể trong phong trào thi đua “Vì ANTQ” và phong trào thi đua của UBND hàng năm cũng như nội dung thi đua các đợt thi đua ngắn ngày tập trung vào các ngày Lễ, Tết, ngày truyền thống, các sự kiện chính trị trọng đại của tỉnh, đất nước và của ngành. Bên cạnh đó, tổ chức đăng ký chỉ tiêu thi đua, ký kết giao ước thi đua và triển khai tốt các nội dung thi đua của Cụm thi đua số 6, Bộ Công an, Khối thi đua Nội chính tỉnh; tổ chức phát động và hướng dẫn tổ chức ký kết thi đua giữa các đơn vị trong khối trực thuộc cấp cơ sở và toàn thể CBCS trong Công an tỉnh nhằm đưa công tác Thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy” kích thích tập thể, cá nhân hăng hái lập nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, phát huy sáng kiến, tăng năng suất và hiệu quả công tác chuyên môn, góp đảm bảo ANTT.

 Bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào thi đua “Vì ANTQ” do Bộ Công an phát động và phong trào thi đua yêu nước do UBND phát động như phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, phong trào thi đua chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước của ngành..; Công an tỉnh đã phát động hàng trăm đợt thi đua thường xuyên và chuyên đề, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn. Tiêu biểu như phong trào thi đua gần đây “Thi đua đợt cao điểm 75 ngày đêm lập thành tích chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “ Phong trào thi đua Lực lượng Công an Kon Tum – Lá chắn phòng, chống dịch Covid -19 – Thanh bảo kiếm đảm bảo ANTT an toàn xã hội”; “Phong trào thi đua trong lực lượng Công an xã, thị trấn Tận tụy gắn bó, thân thiện, an toàn, an dân tại địa bàn s; phong trào thi đua đặc biệt nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí minh nêu Sáu điều dạy CAND và 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí minh ra lời kêu gọi hi đua ái quốc; phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kinh tế kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” giai đoạn 2022-2030; đợt thi đua đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ CCCD; cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân; làm sạch dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống””...vv đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy ý thức tự giác, lòng nhiệt huyết, tinh thần công tác, chiến đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của các tập thể, cá nhân.

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Thực hiện đổi mới công tác khen thưởng với phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị đã kịp thời có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp với thành tích, chiến công xuất sắc, tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ  trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự trật tự an toàn xã hội, nhất là đối với lực lượng Công an cơ sở tại địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự. Ðề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác Thi đua, khen thưởng. Khi xét khen thưởng từ đột xuất, chuyên đề đến các phong trào ngắn hạn, dài hạn, Hội đồng Thi đua, khen thưởng Công an tỉnh giao cho Cơ quan thường thường trực (Phòng Công tác đảng, công tác chính trị) nghiên cứu, xem xét, rà soát lại tất cả các hồ sơ đề nghị, khen thưởng phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, đúng thành tích sau đó trình lên Hội đồng thi đua, khen thưởng đề nghị xem xét, cá nhân, tập thể đáng khen ở cấp nào thì đề nghị khen ở cấp đó vì việc khen thưởng là động lực thúc đẩy phong trào thi đua, khen thưởng là động viên CBCS và sự tác động đến toàn thể CBCS nên khen thưởng phải đúng người, đúng việc thì việc khen thưởng mới có tác dụng, việc xét khen thưởng đơn vị đã tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy trình khi xem xét, cân nhắc, lựa chọn và đề nghị các cấp khen thưởng, đảm bảo các thủ tục hồ sơ đề nghị khen thưởng đầy đủ đúng yêu cầu của Bộ Công an và UBND. Việc xét thi đua khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng tiêu chuẩn, đúng thành tích đã có tác dụng lớn đến đông đảo CBCS noi gương, học tập và động viên, cổ vũ kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong toàn Công an tỉnh.

Công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến cũng được lãnh đạo Công an tỉnh quan tâm chỉ đạo, đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về việc giới thiệu mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân có thành tích, năng động trong công tác tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến tiêu biểu; đồng thời có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng những tập thể, cá nhân yếu trở thành những đơn vị mạnh, điển hình tiên tiến mới. Do đó trong công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến cụ thể như: Mô hình “Zalo Công an Kon Tum bản lĩnh nhân văn vì nhân dân phục vụ”; “Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân” của lực lượng Cảnh sát; “Giữ vững địa bàn, chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp các loại tội phạm, chống vượt biên, thu hẹp các địa bàn phức tạp về tôn giáo, dân tộc; triển khai thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở” với phương châm: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân” của lực lượng An ninh; “Dân vận khéo” của Phòng An ninh đối nội và Công an Thành phố; “Tổ liên kết tự quản về an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy” của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chương trình thực tế “24 giờ trải nghiệm của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh; mô hình “Tiếng kẻng An ninh của Công an huyện Đăk Hà, mô hình Dân vận kém thì việc cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành côngNghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; mô hình “Móc khóa an ninhcủa Công an thành phố...vv. Những mô hình, phần việc cụ thể của các đơn vị trong Công an tỉnh đã thực sự lan tỏa, thúc đẩy mỗi cán bộ, chiến sĩ hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ, TÁC DỤNG CỦA PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO ANTT TẠI ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Công an, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong tỉnh, nên trong những năm qua phong trào thi đua của Công an tỉnh đã có nhiều đổi mới và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Công an tỉnh làm tốt chức năng tham mưu cấp uỷ, chính quyền trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương công tác lớn của Đảng, Nhà nước và của Ngành, đề xuất các chủ trương giải pháp, thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị diễn ra trong năm, nhất là đảm bảo ANTT. Tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, phục hồi tổ chức FULRO, tổ chức Tin lành Đấng Christ; thành lập “Nhà nước Đê ga”, đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn. Làm tốt công tác bảo đảm an ninh biên giới, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh mạng, bảo vệ bí mật Nhà nước, tập trung đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, “phủ xanh” thông tin chính thống, định hướng dư luận, tạo niềm tin trong nhân dân; gọi hỏi, răn đe nhiều trường hợp đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật; đấu tranh, triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ngăn chặn âm mưu khủng bố, phá hoại; giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, các vấn đề phức tạp, nổi cộm liên quan đến tôn giáo, dân tộc và an ninh nông thôn…không để trở thành “điểm nóng” về ANTT, đặc biệt là tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân. Tập trung phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm về ma túy, về quản lý kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Hàng năm làm giảm ít nhất 5% tội phạm về trật tự xã hội; tỷ lệ điều tra, khám phá án chung đạt trên 80% và án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 60% trở lên. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; 100% tin báo tố giác tội phạm được tiếp nhận, xử lý, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Bảo đảm chấp hành tốt những quy định của pháp luật trong điều tra, bắt giam, giữ can, phạm nhân và thi hành án hình sự. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tiếp tục có các giải pháp hữu hiệu nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và cháy nổ, làm giảm số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng và các vụ cháy nổ lớn...; xây dựng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tăng cường công tác xây dựng lực lượng, siết chặt kỷ luật kỷ cương, tỷ lệ cán bộ chiến sĩ bị xử lý kỷ luật hàng năm đều dưới 0,5% tổng quân số.

  Với phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”, trong triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân và Đề án Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, Công an xã, phường, thị trấn không kể ngày đêm nỗ lực triển khai các nội dung của 02 dự án đảm bảo yêu cầu, chỉ tiêu, tiến độ Bộ Công an giao. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ thái độ tận tình, chu đáo, phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” vận động nhân dân tham gia làm căn cước công dân; thành lập các tổ công tác lưu động đến tận nhà làm thủ tục cấp căn cước cho người khuyết tật, người già, người sức khỏe yếu, đi lại khó khăn... Đến nay, toàn tỉnh đã thu nhận 414.000/419.621 hồ sơ cấp căn cước công dân, đạt tỷ lệ 98,66%, cấp 24.555 tài khoản định danh điện tử và tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu thông tin dân cư.

Với những chiến công và thành tích đã đạt được trong các phong trào thi đua, chỉ tính trong năm 2022, Công an tỉnh Kon Tum vinh dự được lãnh Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, UBND tỉnh, các cấp chính quyền, địa phương biểu dương, khen thưởng, được quần chúng Nhân dân tin yêu, gửi thư cảm ơn. Đặc biệt trong năm 2021, để ghi nhận những chiến công xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng III cho Công an tỉnh Kon Tum và Phòng An ninh đối nội - Công an tỉnh Kon Tum; Huân chương Chiến công hạng II cho 01 cá nhân; Huân chương Chiến công hạng III cho 01 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 02 tập thể, 04 cá nhân về thành tích đột xuất.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TRONG  THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, công tác Thi đua, khen thưởng Công an tỉnh Kon Tum cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm đổi mới toàn diện phong trào thi đua và công tác khen thưởng; góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác đảm bảo ANTT để công tác Thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển và xây dựng con người mới.

Một là, tiếp tục tổ chức tốt việc học tập, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác Thi đua, khen thưởng tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cấp và cán bộ, chiến sĩ về đổi mới công tác Thi đua, khen thưởng tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác Thi đua, khen thưởng. Đổi mới và nâng cao chất lượng, tổ chức hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua trong toàn Công an tỉnh gắn với thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ chính trị, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Công an tỉnh.

Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua, duy trì và phát triển các phong trào thi đua gắn với nội dung của phong trào “CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” với thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời gắn phong trào thi đua “Vì ANTQ” với các phong trào thi đua khác do UBND tỉnh phát động. Tuỳ đặc điểm của từng đơn vị đề ra các mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu, khẩu hiệu hành động cho phù hợp; tổ chức phát động, đăng ký, ký kết thi đua một cách thiết thực, khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quản lý công tác Thi đua, khen thưởng của Công an tỉnh đến cơ sở.

Ba là, việc tổ chức các phong trào thi đua phải bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và hướng về cơ sở, quyết tâm, quyết liệt khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Quan tâm hơn nữa đến công tác Thi đua, khen thưởng đối lực lượng Công an xã, vùng sâu, vùng xa. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác Thi đua, khen thưởng. Coi kết quả công tác Thi đua, khen thưởng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ; tiêu chí để bề bạt, bổ nhiệm và thực hiện các chế độ đãi ngộ.

 Bốn là, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác Thi đua, khen thưởng đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong tình hình mới. Nâng cao trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua, khen trong chỉ đạo, điều hành nội dung các phong trào thi đua, xét công nhận danh hiệu thi đua và khen thưởng; chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, người đứng đầu đơn vị chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác Thi đua, khen thưởng, có giải pháp kịp thời đưa Thi đua, khen thưởng ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Triển khai phần mềm quản lý, lưu trữ các dữ liệu về Thi đua, khen thưởng trong toàn Công an tỉnh để tạo thuận lợi trong việc tra cứu và thống kê.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong công tác Thi đua, khen thưởng; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện đúng các quy định về Thi đua, khen thưởng; phát hiện và chấn chỉnh những biểu hiện chạy theo thành tích, thực hiện hình thức - “làm cho có”, mâu thuẫn nội bộ...; triển khai thực hiện tốt việc đổi mới công tác Thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.

Sáu là, vận dụng sáng tạo, khoa học, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước vào thực tiễn công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an tỉnh Kon Tum cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị./.


Tác giả: Ngọc Đại
Tin liên quan