A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chi bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc, nhiều chiều tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực an ninh, trật tự, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề đối với lực lượng CAND, trong đó có lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ.

Đảng ủy Công an trung ương, Bộ Công an đã thống nhất lấy Ngày chuyển đổi số Quốc gia ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của ngành Công an, lực lượng Công an xác định vai trò gương mẫu đi đầu trong cải cách hành chính, lấy chuyển đổi số là định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới với mục tiêu lấy nhân dân là trung tâm phục vụ, khoa học công nghệ là phương thức thực hiện áp dụng để chuyển đổi trạng thái từ  “truyền thống” sang “hiện đại” góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCA, ngày 19/10/2020 về việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hồ sơ nghiệp vụ Công an nhân dân trong tình hình mới; Hợp nhất các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định công tác hồ sơ nghiệp vụ theo văn bản số 08/VBHN-BCA, ngày 19/9/2023. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chi bộ, đơn vị với mục tiêu tiến lên hiện đại, xây dựng đơn vị Hồ sơ thực sự là “Trung tâm thông tin nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân”; Chính vì thế, cấp ủy chi bộ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cùng tập thể lãnh đạo đã tập trung củng cố, xây dựng và hoàn thiện các hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin nghiệp vụ, với hàm lượng tin học hóa, tự động hóa cao hơn trong những năm tới, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu hiện có của ngành như Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Cơ sở dữ liệu thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp…

Trên cơ sở sự chỉ đạo của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, cấp ủy chi bộ - lãnh đạo đơn vị đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ, đơn vị cụ thể là: xây dựng kế hoạch Mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” thực hiện số hóa hồ sơ nghiệp vụ và hồ sơ hình thành phổ biến lưu trữ tại Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Kon Tum; xây dựng Mô hình “Tàng thư điện tử giải pháp nâng cao chất lượng công tác hồ sơ”… Bên cạnh đó, đã tham mưu Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh trưng tập cán bộ tại các học viên mới tốt nghiệp các trường CAND về Phòng Hồ sơ nghiệp vụ để thực hiện số hóa hồ sơ, tài liệu nghiệp vụ lưu trữ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 số hóa toàn bộ tài liệu vào cơ sở dữ liệu. Trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số, chi bộ luôn đảm bảo an toàn thông tin, an ninh và thực hiện đúng theo quy trình số hóa.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Hồ sơ nghiệp vụ tăng cường thực hiện công tác số hóa hồ sơ

Với quyết tâm là một trong những chi bộ đi đầu trong Chuyển đổi số trong sinh hoạt chi bộ, cũng như công tác chuyên môn. Cấp ủy chi bộ đã chỉ đạo số hóa toàn bộ các văn bản Đảng vào cơ sở dữ liệu và phân công 01 đồng chí đảng viên phụ trách công tác số hóa tài liệu phát sinh trong những năm tới. Trong chỉ đạo thực hiện công tác chuyên môn, cấp ủy chỉ đạo triển khai thực hiện Mô hình “Tàng thư điện tử giải pháp nâng cao chất lượng công tác hồ sơ” với tổng số 12 thành viên Ban điều hành; mỗi thành viên đều nêu cao nhận thức, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của an ninh mạng và thường xuyên cập nhật kiến thức về nâng cấp phần mềm; cũng như về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các loại tội phạm trên không gian mạng. Đồng thời luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh trong thực hiện các hoạt động Chuyển đổi số cụ thể được trang cấp 01 máy chủ, 02 máy chụp tài liệu.

 Kết quả số hóa hồ sơ, tài liệu từ khi triển khai xây dựng Mô hình đến ngày 29/8/2024: trên hai mươi ba ngàn tập hồ sơ với hơn hai triệu trang tài liệu và số hóa toàn bộ tài liệu đảng của chi bộ để thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý.

Cán bộ, chiến sĩ thực hiện chỉnh lý hồ sơ, tài liệu cũ trước khi số hóa

Song song với sự phát triển của khoa học công nghệ, của công cuộc chuyển đổi số là sự đi kèm với một số khó khăn. Một tình trạng đang xảy ra phổ biến hiện nay là do ngồi quá nhiều trước máy tính, sử dụng điện thoại mà ít vận động, hoạt động; dẫn đến ngại giao tiếp hoặc hạn chế giao tiếp với bên ngoài vì vậy bồi dưỡng các mối quan hệ xã hội không được “bồi dưỡng”; không có ý chí, cầu thị trong công tác. Chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh cán bộ, đảng viên cầm chiếc điện thoại lướt facebook, tương tác zalo, xem phim, chơi game mỗi khi ngơi tay trong công việc. Thậm chí lướt điện thoại trong khi họp, sinh hoạt chi bộ, đơn vị; có khi sẵn sàng lướt mạng cả đêm trong ca trực, qua ngày hôm sau uể oải, mệt mỏi không tập trung trong công việc; thậm chí không tham gia thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ với một lý do rất đơn giản: thị lực kém.

Mặt khác Chuyển đổi số là một lĩnh vực còn mới, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có vô vàn khó khăn: (1) CBCS chưa được tập huấn, hướng dẫn về công tác số hóa hồ sơ tài liệu chính vì thế trong quá trình triển khai thực hiện còn lúng túng, chưa thao tác chính xác đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ quét, số hóa hồ sơ tài liệu. (2) Máy chụp, quét tài liệu được trang cấp còn chưa chưa đảm bảo về số lượng, sử dụng nhiều dẫn đến thường xuyên bị treo, lỗi khi sử dụng trong thời gian nhất định. (3) Một số hồ sơ có tài liệu đã cũ, bị mối mọt, gây khó khăn cho việc sắp xếp, chỉnh lý lại hồ sơ trước khi tiến hành quét chụp...

Với vô vàn khó khăn tác động trong quá trình triển khai thực hiện Chuyển đổi số nhưng cấp ủy chi bộ cùng lãnh đạo đơn vị đã không “lùi bước” đã đưa ra nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra:

Một là, Cấp ủy chi bộ đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo liên quan đến Chuyển đổi số của các cấp đặc biệt là triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Đảng ủy, Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Công an tỉnh giao.

Hai là, Chi bộ lấy con người làm trung tâm trong mọi hoạt động của Chuyển đổi số vì vậy cấp ủy chi bộ giao lãnh đạo đơn vị làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực Chuyển đổi số của đơn vị cụ thể giao 02 đồng chí phụ trách công nghệ thông tin để kịp thời xử lý những tình huống cấp bách không ảnh hưởng đến công tác Chuyển đổi số.

Ba là, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.  Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, “tự soi, tự sửa”, rèn luyện bản thân “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, thật sự trong sạch, vững vàng, không bị sa ngã, “thoái hóa, biến chất”; không bị cám dỗ bởi lợi ích, danh vọng; không lợi dụng cương vị công tác để vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chấp hành nghiêm kỷ luật công tác, giữ vững tính chính quy của lực lượng; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cấp ủy, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, tinh thần gương mẫu trong thực hiện các hoạt động Chuyển đổi số.

 Bốn là, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu các quy định của Bộ, hướng dẫn của Cục Hồ sơ nghiệp vụ để có sự tham mưu, thực hiện quyết liệt, và phù hợp nhất. Đồng thời, thường xuyên tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo đúng tiến độ số hóa hồ sơ tài liệu nghiệp vụ của các đơn vị, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo Đảng ủy, Lãnh đạo Công an tỉnh nhất là sự chỉ đạo của đồng chí Phó Giám đốc phụ trách trong đôn đốc, giải quyết từng việc, từng vấn đề; đồng thời từ đó đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định, công nhận Mô hình Tàng thư điện tử giải pháp nâng cao chất lượng hồ sơ nghiệp vụ phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

 


Tác giả: Phòng Hồ sơ nghiệp vụ
Tin liên quan