A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng uỷ cơ sở Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động của toàn xã hội, trong đó có hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18-02-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Đảng uỷ cơ sở Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó nổi bật là việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực PCCC trên môi trường điện tử.

Bắt đầu từ ngày 15/5/2022, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiến hành cung cấp trực tuyến 16 thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC toàn trình và một phần trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an và công bố rộng rãi trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh; đồng thời tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như trang Facebook và Zalo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Trước khi triển khai thực hiện, lãnh đạo và cấp uỷ Đảng luôn là người đi đầu trong việc ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý trên môi trường điện tử đảm bảo đúng quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ đạo, quán triệt đảng viên, cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nắm chắc quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tích cực học tập, nghiên cứu các kiến thức về CNTT như chữ ký số, chứng thực điện tử, quy trình xử lý công việc trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an… Đồng thời, tiến hành thử nghiệm vận hành hệ thống với vai trò là người dân, để từ đó nhìn nhận trực tiếp những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện và đưa ra giải pháp, hướng dẫn khắc phục kịp thời trước khi đưa vào thực hiện trong Nhân dân.

Khi triển khai hệ thống trong Nhân dân, ngay từ những ngày đầu, công dân đều được cán bộ trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an ngay tại địa điểm tiếp dân hoặc thông qua các phương thức liên lạc hỗ trợ. Đảng uỷ, lãnh đạo đơn vị thường xuyên chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đối thoại, hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi qua số điện thoại được niêm yết, công khai tại đơn vị và qua trang Zalo, Facebook của đơn vị.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an đã đi vào hoạt động ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Các đơn vị, cá nhân đều cảm thấy thuận tiện, tiết kiệm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính như: tiết kiệm chi phí in ấn đối với hồ sơ bản vẽ thiết kế khổ lớn; tiết kiệm chi phí đi lại cho các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế ở ngoại tỉnh; người dân có thể trực tiếp theo dõi kết quả giải quyết thủ tục hành chính ngay tại nhà và nhận trả kết quả qua email mà không cần trực tiếp đến trụ sở công an... Qua đó, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính về lĩnh vực PCCC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến tăng cao, năm 2023, đơn vị đã tổ chức tiếp nhận 291 hồ sơ thủ tục hành chính về PCCC, trong đó tiếp nhận 281 hồ sơ trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an (chiếm tỷ lệ 96,56%); với kết quả đạt được, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong Công an tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực PCCC trên môi trường điện tử, Đảng uỷ, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tiếp tục phát huy, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Kết luận số 82-KL/TW ngày 16/8/2010 của Bộ Chính trị về cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 18-02-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hai là, tập trung quán triệt, chỉ đạo đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đổi mới phong cách lề lối làm việc, chuyên nghiệp, đảm bảo đáp ứng xu thế phát triển công nghệ; phát huy hiệu quả hệ thống phần mềm Cổng dịch vụ công Bộ Công an; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân việc ứng dụng chữ ký số, chứng thực số trong giải quyết thủ tục hành chính.

Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng trực thuộc, chỉ huy cấp đội trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính. Quan tâm rà soát, đề xuất đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị CNTT để phục vụ nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng đối với các hoạt động ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử./.

 

 


Tác giả: Vũ Linh
Tin liên quan