Thời điểm vàng trong công tác chữa cháy
Đối với công tác chữa cháy, “thời điểm vàng” để dập tắt đám cháy là không quá 10 phút kể từ khi xuất hiện cháy
Tại thời điểm này, đám cháy ở giai đoạn bắt đầu phát triển, diện tích đám cháy đang ở giới hạn dễ tiếp cận và hiệu quả dập tắt cao. Vì vậy, việc huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi mới xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ” trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với tinh thần “lực lượng trong dân - phương tiện trong dân - hậu cần trong dân và chỉ huy ở trong dân” là vấn đề quan trọng cần được triển khai trong công tác PCCC.
Theo quy định, lực lượng PCCC tại chỗ bao gồm: Đội PCCC cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành và Đội dân phòng. Trong trường hợp xảy ra cháy, những thành viên của Đội sẽ là một “chiến sỹ chữa cháy” trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới. Các thành viên trong Đội đều là người làm việc tại cơ sở, cư dân sinh sống tại khu dân cư, thông thuộc địa hình, đặc điểm cơ sở và được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH. Qua đó, các đội viên sẽ bình tĩnh vận dụng các biện pháp xử lý kịp thời ngay tại giai đoạn đám cháy bắt đầu phát triển, tác động trực tiếp tại “thời điểm vàng”, làm hạn chế tốc độ phát triển đám cháy, giúp cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp nhanh chóng kiểm soát được đám cháy khi đến hiện trường, ngăn chặn cháy lớn xảy ra.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, các cấp ủy chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức đã có sự quan tâm, chỉ đạo trong việc xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động đối với 1.183 Đội PCCC cơ sở, 03 Đội PCCC chuyên ngành, 756 Đội dân phòng, tỷ lệ thành lập đạt 100% theo quy định. Các Đội đã thực sự phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác PCCC tại cơ sở, kịp thời đề nghị bổ sung trang bị, phương tiện PCCC và CNCH phù hợp; hướng dẫn tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ sở, khu dân cư, đảm bảo tính chủ động trong công tác chữa cháy trên địa bàn.
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở
Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản và con người khi có cháy xảy ra trên địa bàn khu dân cư, mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy” đã được hướng dẫn xây dựng phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã được người dân đồng tình hưởng ứng với những hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã có 58 mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy” được ra mắt tại địa bàn các xã, phường; mô hình đi vào hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH của các hộ gia đình, xây dựng phong trào toàn dân PCCC phát triển ngày càng sâu rộng.
Tổ liên gia an toàn về PCCC tại xã Kroong, thành phố Kon Tum và Tổ dân phố 6 thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi
Thời gian tới, nhằm tăng cường hơn nữa tính chủ động trong công tác PCCC trên địa bàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức và cơ sở cần tiếp tục quan tâm, bố trí bổ sung kinh phí trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở. Từ đó, phát huy tối đa vai trò của lực lượng PCCC cơ sở trong công tác phòng ngừa, nâng cao hiệu quả tác động đối với “thời điểm vàng” trong công tác chữa cháy, góp phần kiềm chế sự gia tăng các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.