Không thể xuyên tạc ý nghĩa của Quỹ Vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam
Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc xin phòng COVID-19. Khi cả nước đang chung tay vào cuộc chống dịch bằng việc tích cực đóng góp để Chính phủ mua vaccine tiêm chủng cho toàn dân thì trên mạng xã hội những ngày qua các cá nhân, tổ chức chống phá liên tục tung ra luận điệu bịa đặt, xuyên tạc về hành động thiết thực này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao chứng nhận, hoa cảm ơn bác Nguyễn Mạnh Tường 82 tuổi, cán bộ hưu trí ngành đường sắt. Ảnh: Viết Chung
Trò hề xuyên tạc về Quỹ vắc xin phòng COVID-19
Trên mạng xã hội, các tổ chức chống phá như Chân Trời mới media, Việt Tân… liên tục đăng tải thông tin về việc Chính phủ kêu gọi người dân doanh nghiệp và các tổ chức đóng góp, hỗ trợ kinh phí mua vaccine ngừa Covid-19. Tiêu biểu là những bài viết như “Nhà nước CSVN kêu gọi hỗ trợ mua vaccine có gì sai sai”, “Đốt tiền cúng ma” với nội dung hết sức xuyên tạc, bịa đặt như: “Chính phủ không thể thu xếp nổi 1,2 tỷ USD để mua vaccine về tiêm chủng cho người dân. Tất cả những điều này cho chúng ta biết điều gì? Đó là một sự dối trá khủng khiếp”, “Nếu qui đổi ra tiền VN thì khoảng 25.000 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với số tiền chưa giải ngân hết của gói “cứu trợ dân nghèo” 30.000 tỷ đồng mà Nhà nước đã hứa hồi quý 1 năm 2020”,….
Đáng chú ý, các tổ chức, cá nhân này còn lấy kinh phí mua vaccine để so sánh với việc tổ chức Đại hội Đảng, hay thậm chí còn tung lên mạng xã hội nhiều thông tin, bình luận xuyên tạc tình hình dịch bệnh trong nước và kế hoạch mua, sản xuất và tiêm vắc-xin của Việt Nam, đại loại như: “Việt Nam toang rồi. Tình hình dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam gần như mất kiểm soát”, “Chính phủ tắc trách làm cho dịch bệnh thêm nghiêm trọng”, “Thành quả ba lần chống dịch trước đây đang bị đổ xuống sông, xuống bể”, “Việt Nam quá chủ quan trong vấn đề vắc-xin”, “Tỉ lệ tiêm vắc-xin Covid ở Việt Nam thấp nhất trên thế giới”, “Việt Nam chỉ ưu tiên tiêm cho công an, quân đội”, “Vắc-xin chỉ dành cho những người có tiền; người nghèo sẽ không có cơ hội tiêm vắc-xin”, “Việt Nam không minh bạch trong việc mua và sử dụng vắc-xin”, “Chính quyền ép buộc người dân đóng góp tiền mua vắc-xin”…
Rõ ràng, những kẻ xấu muốn thổi phồng câu chuyện vắc-xin để gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận, kích động tâm lý nghi ngờ trong cộng đồng, tìm cách phủ nhận thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đánh vào lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị, gây khó khăn cho công tác phòng chống đại dịch Covid. Nhưng thực tế những ngày qua cho thấy âm mưu xấu xa của những kẻ chống đối đã chẳng đạt được điều gì ngoài sự coi thường của người dân trong nước. Dường như chẳng mấy ai buồn để ý tới những thông tin bịa đặt, luận điệu xuyên tạc của mấy kẻ chuyên “chọc gậy bánh xe”, phát ngôn bừa bãi, bất chấp thực tế, đi ngược lại dư luận trong nước và quốc tế.
Người dân cả nước đồng lòng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và Chính phủ đã có chủ trương mua đủ lượng vắc xin cần thiết để tiêm phòng cho nhân dân. Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến chúng ta cần mua khoảng 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Đây là yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vắc xin tiêm kịp thời cho người dân.
Ngay khi nhận được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ, Bộ Tài chính đã khẩn trương triển khai xây dựng để ban hành quy chế hoạt động của Quỹ và thiết lập bộ máy quản lý. Theo quy định, Quỹ sẽ được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Nếu các doanh nghiệp muốn đóng góp vào quỹ thì hoàn toàn có thể chuyển tiền qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Thủ tướng chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài chính làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế để chuyển vào Quỹ các khoản tiền mà một số doanh nghiệp đã đóng góp hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế trong thời gian liên quan đến việc mua vắc xin.
Việc đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 là sự kêu gọi đóng góp một cách tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và không có mức đóng góp tối thiểu cũng như mức đóng góp tối đa. Tất cả đều trên cơ sở tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân. Và với mỗi đồng đóng góp dù là nhỏ nhất chúng tôi cũng đều trân trọng và quản lý công khai, minh bạch. Đặc biệt, theo quy định tại Khoản 1, Điểm 2-Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với khoản chi ủng hộ Quỹ vắc xin này, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quỹ vắc xin được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 26-5-2021 đã đem đến niềm tin, hy vọng với người dân Việt, bởi đây là chủ trương đúng đắn. Có vắc xin tiêm chủng phòng ngừa cho đa số người dân mới có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Tiêm vắc xin đại trà chính là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch.
Quỹ vắc xin được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Mỗi đóng góp của người dân vào Quỹ vắc xin phòng Covid-19 đều hướng tới mục tiêu cuộc sống an toàn hơn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội.
Những ngày qua, kể từ khi Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 được Thủ tướng ký thành lập, không chỉ doanh nghiệp, địa phương mà rất nhiều cá nhân, trên mọi miền của Tổ quốc, đều đã nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ, đóng góp cho quỹ. Làn sóng, phong trào ủng hộ không ngừng lớn mạnh và lan xa. Những con số của Quỹ vắc xin liên tục được cập nhật với niềm vui, sự hy vọng cộng dồn, lan tỏa mãi.
Mỗi đóng góp, dù từ vài trăm tỷ đồng của các doanh nghiệp, tổ chức hay vài chục nghìn đồng của các em nhỏ, học sinh, sinh viên hay người già… đều được thấu hiểu và trân quý. Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ cảm động khi được biết, những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ. Kiều bào ở nước ngoài đã trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ, chung tay với Chính phủ lo cho người dân; và cũng sẵn sàng chi phí tiêm phòng cho người lao động trong doanh nghiệp.
Sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết trong cuộc chiến với COVID-19
Trong cuộc chiến chống Covid – 19 mỗi bước đi của Việt Nam đều căng mình thận trọng nhưng lại vô cùng quyết liệt. Khi nhiều quốc gia trên thế giới còn chần chừ chọn lựa giữa bảo vệ sức khỏe người dân và bài toán kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng hành động. Việt Nam chắc chắn không sở hữu thuốc chữa Covid bí truyền.. việc điều trị thành công các ca bệnh nặng là kết quả của trí tuệ, lương tâm, tình thương và trách nhiệm của những người thầy thuốc. Từ những tấm lòng của một dân tộc thiện lương, hình ảnh một đất nước dù phải “căng” mình chống dịch nhưng luôn chung một niềm tin “vượt qua bão tố” một lần nữa hiện lên vô cùng đẹp đẽ và đầy tình người. Giữa cơn xáo động toàn cầu, cái tên Việt nam hiện lên như một “biểu tượng chiến thắng” đầy cảm xúc.
Việc đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp chính là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng, tăng cường chống phá. Giai đoạn này, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được dự báo có nhiều phức tạp, khó lường hơn, nhưng cũng ở chính thời điểm khó khăn nhất, thì tình người, sức mạnh đoàn kết lại được phát huy và trở thành điểm tựa cho tất cả chúng ta. Là công dân có trách nhiệm, chúng ta cần phải tỉnh táo, biết “gạn đục khơi trong”, luôn lạc quan, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của Chính phủ và các ngành, địa phương. Chỉ có đoàn kết đồng lòng, chúng ta mới không bị dẫn dắt bởi kẻ xấu, vững vàng trước mọi khó khăn, chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 này.
Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang phối hợp sát sao trong công tác tuyên truyền thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến người dân tình hình phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, theo dõi, rà quét các trang mạng xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Các trường hợp đưa thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh địa phương và gây hoang mang dư luận trên địa bàn tỉnh sẽ được các cơ quan chức năng cương quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, ngành, để ngăn ngừa và đi tới thành công trong việc dập dịch lần này, chúng ta nên thật bình tĩnh và tuân thủ nghiêm những cảnh báo cũng như hướng dẫn khoa học phòng chống lây nhiễm của ngành Y tế. Những thông tin này liên tục được ngành Y tế chuyển tải đến người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như tin nhắn rất chi tiết đến máy điện thoại cầm tay mỗi người dân mỗi ngày. Hãy sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin trên các kênh chính thống, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật về dịch bệnh.
Hoài Nhung