A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác hình thức lừa đảo tuyển lao động "việc nhẹ, lương cao"

     Thời gian qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Kon Tum đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp nhận, xác minh 08 trường hợp công dân Việt Nam có thông tin thường trú tại tỉnh Kon Tum bị Campuchia trao trả, trục xuất về Việt Nam do vi phạm pháp luậta số các trường hợp trên đều xuất cảnh trái phép, bị các đối tượng lừa gạt dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”, bị giam giữ, tịch thu các giấy tờ tùy thân, bóc lột lao động và không được nhận lương như đã được hứa hẹn.

       Mặc dù trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với các hình thức giới thiệu việc làm trên mạng xã hội,tuy nhiên vẫn có rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh “nhẹ dạ”, tin theo những lời “ngọt” “chào mời” trên mạng, tự ý xuất cảnh sau đó bị “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo, bị giam giữ, bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản thậm chí bị uy hiếp đến tính mạng và yêu cầu gia đình nạn nhân nộp số tiền chuộc rất lớn mới được cho về nước.

       Lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động ngày một tăng cao đặc biệt là lao động trẻ tuổi, muốn nhanh đổi đời mà không cần học hành, hay làm việc nặng nhọc, thủ tục đơn giản. Các đối tượng đã thực hiện chiêu trò tuyển dụng lao động với mức hấp dẫn để lừa đảo, sử dụng các trang mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển dụng gắn mác xuất khẩu lao động sang Campuchia. Quá trình liên lạc, các đối tượng sử dụng sim rác, mạng xã hội ẩn danh để liên hệ, dụ dỗ nạn nhân.Thủ đoạn của loại đối tượng này thường là các đường dây có tổ chức tập trung chủ yếu ở Campuchia, nạn nhân là giới trẻ có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, được các đối tượng dùng mạng xã hội như (Facebook, zalo,…) đăng các bài quảng cáo những công việc nhẹ nhàng không cần phải bỏ công sức để lao động hoặc làm quen, không cần chứng minh tài chính, thủ tục rườm rà đồng thời thông qua các nạn nhân đi trước bằng cách yêu cầu các nạn nhân cung cấp danh sách bạn bè, người thân quen có tâm lý, lối sống thích “việc nhẹ lương cao” để kết bạn, giới thiệu sang Campuchia làm việc. Khi nạn nhân đăng ký xin việc được các đối tượng hướng dẫn, đưa đón như hỗ trợ làm các giấy tờ xuất cảnh, đưa đến các cửa khẩu để xuất cảnh sang Campuchia hoặc thông qua các đường tiểu ngạch khác xuất cảnh trái phép.

Ảnh minh họa

      Sau khi đến nơi “đất khách quê người” mới “vỡ mộng” thì tất cả đã quá muộn, các nạn nhân bị đưa vào làm việc các cơ sở, trung tâm, công ty trá hình có hoạt động kinh doanh lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, … trên không gian mạng. Các công ty này thường do người nước ngoài làm chủ. Trong quá trình làm việc tại đây bị các đối tượng giữ giấy tờ xuất nhập cảnh, và bị giám sát, không được đi lại, gần như không thể liên lạc được với gia đình, bị cưỡng ép lao động từ 12 - 16 tiếng/ngày. Đa phần các nạn nhân đều không đáp ứng được sức khỏe, yêu cầu của các đối tượng sẽ bị đánh đập, tra tấn tâm lý, nhốt, bỏ đói… nạn nhân muốn nghỉ đều bị các đối tượng yêu cầu gọi về gia đình người thân nộp tiền chuộc từ 10.000 - 30.000 USD (tương đương khoảng 250.000.000 VNĐ - 750.000.000 VNĐ). Nhiều trường hợp không có tiền chuộc, có ý định bỏ trốn bị đánh đập, hành hạ thân xác hoặc bị bán cho công ty thứ 3…

      Điển hình như vụ việc đã xảy ra,đầu năm tháng 6/2023, thông qua các trang mạng xã hội Facbook, công dân L.V.T sinh năm 1996 thường trú tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum liên hệ với một tài khoản Facebook (không rõ địa chỉ ở đâu) giới thiệu việc làm “game online” tại khu việc biên giới cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh, sau khi thống nhất công dân L.V.T đã xuống thành phố Hồ Chí Minh và xuất cảnh sang Campuchia làm việc mà không cần làm thủ tục giấy tờ xuất nhập cảnh với mức lương 10 - 18 triệu đồng/tháng tại “công ty công nghệ” với công việc tìm người “chơi game đánh bài online” trên máy tính từ 07 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Làm việc được gần 02 tháng chưa được nhận lương lần nào, đầu tháng 9/2023 công dân LV.T bị Công an Campuchia kiểm tra và xử phạt do lao động bất hợp pháp và cư trú trái phép. L.V.T sau khi chấp hành xong bị trao trả về nước tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Kiên Giang.

      - Tháng 3/2024, Công an tỉnh Kiên Giang thông báo trường hợp công dân V.T.T.B (sinh năm 1996) bị Campuchia trao trả về nước do vi phạm pháp luật tại nước sở tại. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Kon Tum đã làm việc với công dân V.T.T.B (sinh năm 2001) cho biết tháng 4/2023,V.T.T.B có kiếm việc làm trên trang mạng xã hội Facebook với thông tin tuyển dụng làm việc tại Bavet - Campuchia mà không cần bằng cấp, công ty bảo lãnh, V.T.T.B đã làm hộ chiếu và xuất cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh để làm việc “game đánh bạc online” do người nước ngoài làm chủ. Sau thời gian làm việc ở đây bị chính quyền Campuchia kiểm tra và xử phạt, trục xuất về nước do lao động bất hợp pháp.

       - Tháng 5/2024 công dân H.V.A(sinh năm 2005 thường trú tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) sau khi tốt nghiệp cấp 3 đến thành phố Hồ Chí Minh để kiếm việc làm vào đầu tháng 5/2024. Trong quá trình tìm việc, công dân H.V.A tìm hiểu và quen một người trên mạng xã hội Facebook nhưng không rõ danh tính, địa chỉ ở đâu và được người này giới thiệu việc làm tại khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài tỉnh Tây Ninh. Sau khi liên hệ thành công, H.V.A được các đối tượng đón bằng xe máy qua Campuchia theo đường tiểu ngạch. Khi đến Campuchia, H.V.A bị đánh đập và không chịu được môi trường làm việc. Lợi dụng quá trình di chuyển tại chỗ làm H.V.A chạy trốn vào rừng và đi lạc vào địa phận Thái Lan, sau đó được người dân Thái Lan báo chính quyền nước sở tại, H.V.A bị bắt giam và xử phạt 3000 bạt Thái (tương đương khoảng 2.200.000 VNĐ). Sau khi chấp hành phạt tại Thái Lan được Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan bảo hộ đón về nước.

    Trong thời gian tới, nhu cầu xuất cảnh của công dân Việt Nam nhằm tìm kiếm việc làm ở nước ngoài có xu hướng gia tăng mặt khác phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép cũng như lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, phối hợp với lực lượng chức năng trong phòng chống loại tội phạm đưa người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài. Một số khuyến cáo cần chú ý đối với người dân như sau:

     - Cảnh giác trước những quảng cáo, lời mời chào việc nhẹ lương cao, đặc biệt các công việc ở nước ngoài hoặc công việc online. Nếu có nhu cầu xuất cảnh lao động ở nước ngoài thì liên hệ các cơ quan chức năng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp uy tín, có chức năng đưa người lao động làm việc ở nước ngoài để tư vấn.

     - Khi xin việc làm ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp tuyển dụng và nội dung công việc, tìm hiểu kỹ về địa danh, địa điểm nơi người lao động muốn đến.

       - Nên nộp hồ sơ xin việc và phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm có uy tín.

       - Thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, cảnh báo người thân, bạn bè cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm.

      - Khi phát hiện thông tin các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, đưa người sang Campuchia làm việc có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, mua bán người cần thông báo ngay cho người thân, gia đình,kịp thời trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật.


Tác giả: Đăng Khoa