Phân biệt lực lượng dân phòng và lực lượng bảo vệ dân phố
Nhiệm vụ tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn cơ sở chủ yếu được thực hiện bởi lực lượng Công an xã bán chuyên trách, lực lượng dân phòng và lực lượng bảo vệ dân phố. Tuy nhiên, người dân vẫn hay thường nhầm lẫn lực lượng Dân phòng và lực lượng Bảo vệ dân phố.
Để hiểu rõ giữa 02 lực lượng này, người cần biết và phân biệt những nội dung sau:
Huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2019
Lực lượng Dân phòng là gì?
Theo Luật PCCC năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 quy định: “Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú”
Tại thôn phải thành lập đội dân phòng. Đội dân phòng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý.
Nhiệm vụ của lực lượng dân phòng:
1. Đề xuất việc ban hành quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy.
3. Kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
4. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
5. Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Lực lượng Bảo vệ dân phố tại TP Hồ Chí Minh. Nguồn: CAND
Lực lượng Bảo vệ dân phố là gì?
Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 của Chính phủ về bảo vệ dân phố có quy định: “Bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn (sau đây gọi chung là phường) nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập.”
Bảo vệ dân phố có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc thực hiện phong trào quần chúng, bảo vệ an ninh tổ quốc, thực hiện một số biện pháp công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trên địa bàn.
2. Phổ biến, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự nhằm vận động nhân dân trong phường tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy tắc, quy ước, nội quy về bảo vệ an ninh, trật tự; tham gia xây dựng phường, cụm dân cư, hộ gia đình an toàn về an ninh, trật tự, không có tội phạm, tệ nạn xã hội.
3. Đôn đốc, nhắc nhở nhân dân trong phường chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; sử dụng, quản lý chứng minh nhân dân và giấy tờ tuỳ thân khác; quy định về đăng ký hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tham gia giữ gìn trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
4. Vận động nhân dân tham gia cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ và quản lý những người đã chấp hành xong hình phạt tù, chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trung tâm cai nghiện, người chưa thành niên phạm tội, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ những đối tượng đang trong diện quản lý, giáo dục tại phường. Vận động thuyết phục người thân của các đối tượng đang bị truy nã, trốn thi hành án, đối tượng phạm tội đang lẩn trốn để tác động họ ra đầu thú.
5. Khi có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự xảy ra trong địa bàn, phải kịp thời có mặt và tìm mọi cách báo ngay cho Công an phường; bảo vệ hiện trường, tham gia sơ cứu người bị nạn, giải cứu con tin, bắt, giữ người phạm tội quả tang, tham gia chữa cháy, cứu tài sản và thực hiện các công việc khác theo sự phân công, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân và Công an phường.
6. Phối hợp với lực lượng dân phòng và bảo vệ chuyên trách các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn để bảo vệ an ninh, trật tự theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và Công an phường. Tổ chức tuần tra kiểm soát và tham gia các hoạt động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm khác về trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật.
Thực trạng hoạt động của hai lực lượng trên
Qua khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng dân phòng trên toàn quốc do Bộ Công an thực hiện trong năm 2020 cho thấy, hầu hết các địa phương mặc dù có thành lập lực lượng dân phòng nhưng về cơ bản đều do lực lượng bảo vệ dân phố hoặc Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (một người đảm nhiệm 02 vai, đội 02 mũ). Thực tế, sau gần 20 năm thi hành Luật PCCC, số lượng lực lượng dân phòng được thành lập mới đạt 23% so với quy định. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì nhiều địa phương còn giao cho lực lượng dân phòng thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và những nhiệm vụ này có tính chất tương đồng so với nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật quy định về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và để khắc phục thực trạng hiện nay trong tổ chức, hoạt động của lực lượng dân phòng, Bộ Công an đã đề xuất báo cáo và được Chính phủ nhất trí cho phép điều chỉnh lực lượng dân phòng trong dự thảo “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và sắp xếp với các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách thành 01 lực lượng chung, thống nhất.
Việc sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng dân phòng cùng với lực lượng bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó có công tác quản lý về phòng cháy và chữa cháy.