Đăng tải, chia sẻ công khai thông tin về các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 là hành vi vi phạm pháp luật
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý nhiều trường hợp phát tán, chia sẻ đầy đủ họ tên, địa chỉ liên hệ và lịch trình di chuyển của người bị mắc COVID-19 (F0). Theo các luật sư, việc phát tán thông tin cá nhân về bệnh nhân COVID-19 trên không gian mạng là vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhiều trường hợp đã bị xử lý
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam, việc cung cấp thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh và ý thức tự bảo vệ bản thân, cộng đồng của mỗi người dân, tạo tiền đề chiến thắng dịch bệnh trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, hiện nay trên không gian mạng xuất hiện nhiều vụ việc đăng tải, chia sẻ các thông tin nội bộ, văn bản của cơ quan chức năng liên quan đến báo cáo nhanh kết quả bệnh nhân nhiễm Covid-19, lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân, danh sách bệnh nhân,… Hầu hết các thông tin này đều có đầy đủ thông tin cá nhân của bệnh nhân, người nghi nhiễm. Khi các thông tin này được đăng tải lên mạng xã hội, sẽ ngay lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ nhanh đến mức chóng mặt, thu hút sự quan tâm của mọi người. Một số cá nhân tham gia bình luận mang tính chủ quan, suy diễn, bàn tán, kỳ thị, đưa thêm thông tin làm sai lệch bản chất sự việc. Việc này đã xâm phạm quyền giữ bí mật thông tin cá nhân, thông tin sức khỏe của người bệnh và gây ra nhiều hệ lụy đối với những người liên quan và cho cộng động. Nếu những thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe của người bệnh lộ ra bên ngoài sẽ ảnh hưởng xấu, làm xáo trộn đến cuộc sống của họ từ gia đình đến công việc, các mối quan hệ xã hội; tạo cho người bệnh tâm lý hoang mang, lo sợ, thậm chí bị stress và ảnh hưởng đến tiến trình điều trị bệnh. Thậm chí gây ra những hành động tiêu cực như phân biệt đối xử, kỳ thị người mắc bệnh, nghi nhiễm, khiến họ cảm thấy hoang mang, sợ hãi sự kỳ thị, xa lánh, từ đó trốn tránh việc khai báo, cách ly y tế, khai báo thông tin lịch trình sai lệch, làm khó khăn cho công tác truy vết dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố 3 bị can liên quan đến hành vi phát tán clip mạo danh quán bar Sunny. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, sau khi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 liên quan đến quán bar karaoke Sunny, các đối tượng đã tải clip trên lên mạng có hình ảnh giống với bar karaoke Sunny để gây sự chú ý, tò mò, thu hút người xem để truy cập vào trang website do đối tượng quản lý nhằm mục đích phi pháp. Hay ngày 24/2, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành xử lý 3 trường hợp đăng tải thông tin báo cáo nhanh về các trường hợp phải cách ly với đầy đủ họ tên, địa chỉ liên hệ và lịch trình di chuyển của người đi cách ly.
Cụ thể: bà L.T.H.V (trú tại huyện Lâm Hà), ông L.X.H (trú tại huyện Di Linh); ông Tr.P.Đ (trú tại huyện Lâm Hà) vi phạm quy định về thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác tại điểm C, khoản 2, Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Tương tự, tại Quảng Ngãi, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý một chủ fanpage về hành vì hành vi đăng tải thông tin cá nhân liên quan đến dịch COVID-19. Trước đó, ngày 02/5, một phụ nữ 28 tuổi, trú tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đã sử dụng Fanpage “Tin tức Bình Sơn – New Day” do mình quản lý, để đăng tải danh sách các trường hợp là F2 và F1 của Ca bệnh BN2899 (tỉnh Hà Nam) kèm theo đầy đủ thông tin cá nhân (họ và tên; số điện thoại; địa chỉ nơi cư trú) lên mạng.
Phát tán thông tin cá nhân về bệnh nhân COVID-19 là vi phạm nghiêm trọng quyền “riêng tư”, có thể bị phạt tù
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, đã xuất hiện tình trạng phát tán, lan truyền, các thông tin về lịch trình di chuyển, tiếp xúc của bệnh nhân lên mạng internet. Đáng chú ý, nhiều văn bản mang tính chất “nội bộ” để phục vụ công tác truy vết, xử lý các ca bệnh F0 cũng bị phát tán và chia sẻ tràn lên trên mạng xã hội khiến cộng đồng mạng bình luận, bàn tán trái chiều gây tâm lý hoang mang cho người dân. Trong thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về việc đưa thông tin về dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện truyền thông, với mục tiêu vừa bảo đảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm về quyền được giữ bí mật thông tin của người bệnh theo quy định của pháp luật.
Thông tin cá nhân “là một trong những nội dung được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo về quy định cụ thể tại: Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”; Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Bệnh nhân có quyền được giữ bí mật thông tin tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”; Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh”.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Tại điểm b khoản 2 điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân có thể bị phạt tiền từ 20 tới 30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hành vi công khai thông tin riêng hợp pháp của cá nhân lên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại trên 100 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì tuỳ từng mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên tới 7 năm tù giam theo quy định tại điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Ngoài ra, chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật nêu trên gây thiệt hại thì còn phải bồi thường cho cá nhân bị tổn hại theo quy định tại điều 584 và 585 của Bộ luật Dân sự 2015.
Mới đây, theo văn bản số 1631/BTTTT-CBC của Bộ Thông tin & Truyền thông ngày 20/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4191/BYT-TT-KT, ngày 21/5/2021 về phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, ngành y tế và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh các địa phương đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không gây hoang mang trong dư luận; không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân. Thay vào đó, cơ quan y tế chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Việc sử dụng mạng xã hội là quyền của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, những hành vi lợi dụng để đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và hành vi thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích là vi vi phạm pháp luật khác sẽ bị xử lý nghiêm. Vì vậy, mỗi người dân cần chọn lọc thông tin, không tham gia đăng tải, chia sẻ, thông tin cá nhân của các bệnh nhân, người nghi nhiễm COVID-19 như các báo cáo nhanh về thông tin, lịch trình di chuyển, những người tiếp xúc, danh sách bệnh nhân,….; không bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân. Khi phát hiện hành vi vi phạm trên, người dân cần báo cho cơ quan Công an để ngăn chặn, xử lý theo quy định, qua đó góp phần xây dựng môi trường mạng trong sạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi người.
Hoài Nhung