A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao đổi một số kiến thức và kỹ năng viết tin trên Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum

Thời gian qua, Trang Thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum nhận được rất nhiều tin, bài của cộng tác viên và ý kiến đóng góp của quý độc giả. Nhằm giúp các cộng tác viên bổ sung kiến thức và kỹ năng viết tin, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề liên quan đến cách viết tin để các đồng chí Cộng tác viên tham khảo.

Trang TTĐT Công an tỉnh Kon Tum

Tin là thể loại cơ bản và nổi bật nhất của loại tác phẩm thông tấn. Nó là một thông điệp mới, ngắn gọn, xác định được thực hiện một cách nhanh chóng, có ý nghĩa chính trị-xã hội nhất định và được nhiều người quan tâm.

Tầm quan trọng của tin: Tin là thể loại quan yếu nhất của báo chí, chiếm gần 50% diện tích và dung lượng thông tin trên các nhật báo và chương trình phát thanh-truyền hình. Nhiệm vụ của nhà báo là đưa tin. Công việc đầu tiên của phóng viên là viết tin. Công chúng đến với báo chí trước hết là để đọc, nghe, xem tin. Đối tượng được để mắt trước tiên của độc giả khi cầm một tờ báo là các tin. Người ta thường lướt qua các tin rồi mới đọc các bài khác.

Những yếu tố cơ bản của tin: Đảm bảo các yếu tố của tin (“Lục vấn”) hay còn gọi là đủ Năm chữ W và một chữ H. “Việc gì, bởi tại làm sao, bao giờ, ai biết, thế nào, ở đâu?”

–  Việc gì: Phải nêu rõ sự việc, hiện tượng đã xảy ra trên thực tế (chết người, cháy, nổ, mất tài sản…). What (chuyện gì): – Sự kiện quan trọng hay đáng lưu ý gì đã xảy ra?

– Bởi tại làm sao: Nguyên nhân dẫn đến sự việc, hiện tượng (nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp hoặc nguyên nhân sâu xa). Why (tại sao) – Tại sao lại xảy ra sự kiện đó?

– Bao giờ: Thời gian xảy ra sự việc, hiện tượng (ngày, giờ, tháng, năm). When (khi nào) – Chuyện xảy ra vào lúc nào?

  – Ai biết: Người chứng kiến sự việc, hiện tượng xảy ra; người đầu tiên phát hiện sự việc, hiện tượng. Who (ai) – Trong tin này có những ai?

  – Thế nào: Nội dung, tình tiết cụ thể của sự việc hiện tượng; đã giải quyết như thế nào (?) Ví dụ: Xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 01 ô tô và 01 mô tô; 02 nạn nhân bị thương nặng…đã tiến hành chụp ảnh, khám nghiệm hiện trường, đưa người bị nạn đi cấp cứu… How (như thế nào) – Chuyện xảy ra như thế nào?

 – Ở đâu: Vị trí, địa điểm xảy ra sự việc, hiện tượng. Where (ở đâu) – Tin này xảy ra ở đâu?

Tiêu chí của một tin hay:

– Tin phải mới lạ, có tính thời sự, nhanh nhạy và kịp thời: Tin phải mang tính thời sự; cập nhật có hệ thống, kịp thời.

– Tin phải có thật và chính xác: Tin chính xác là tin phản ánh đúng sự thật khách quan (đúng thời gian, địa điểm; nội dung tình tiết; rõ nguồn và phương pháp, biện pháp thu thập, tin đã được xác minh), không hư cấu hoặc phản ánh chủ quan duy ý chí.

– Tin phải hấp dẫn, được công chúng quan tâm: Điển hình là những tin phản ánh những sự việc, hiện tượng liên quan đến tình hình tội phạm, an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội.

– Tin được thể hiện một cách ngắn gọn; phù hợp với mục đích, tôn chỉ của tờ báo hoặc Trang thông tin điện tử.

Các thể (dạng) tin cơ bản:

– Tin vắn: Là thể tin ngắn nhất trong tất cả thể loại báo chí, nhằm thông báo đến công chúng thông tin vắn tắt về sự kiện, hiện tượng hay nhân vật trong đời sống.

– Tin ngắn: Là tin phổ biến nhất trên các nhật báo và trên các bản tin thời sự của đài phát thanh-truyền hình, nhằm cung cấp cho công chúng một thông tin tương đối hoàn chỉnh về một sự kiện, hiện tượng hay nhân vật đời sống.

– Tin sâu: Là thể tin vừa phản ánh hoàn chỉnh về sự kiện, hiện tượng hay nhân vật trong đời sống vừa thể hiện thái độ, quan điểm của toàn báo về sự kiện, hiện tượng hay nhân vật đó để định hướng dư luận xã hội.

– Tin dự báo: Là tin nói về thì tương lai gần, thông báo các sự kiện, hiện tượng sẽ xảy ra.

– Tin tổng hợp: Là thể tin tóm tắt, hệ thống lại những sự kiện quan trọng, tiêu biểu về các lĩnh vực của đời sống xã hội trong một thời gian nhất định.

– Chùm tin: Là thể tin gồm nhiều tin kết nối nhau nhằm hệ thống lại những sự kiện tiêu biểu có chung một đề tài, chủ đề.

– Tin tường thuật: Là thể tin phản ánh sự kiện theo đúng trình tự diễn biến của sự kiện đó. Nó khác với thể loại tường thuật ở dung lượng và cách thể hiện.

– Tin ảnh: Tin ảnh là tin có ảnh đi kèm với tư cách là yếu tố cấu thành nội dung của tin để minh họa, tạo độ tin cậy và tính thuyết phục cho thông tin.

– Tin công báo: Là thể tin phản ánh hoạt động của các cơ quan công quyền trung ương và địa phương hoặc thông báo các văn bản pháp luật, hành chính của Nhà nước.

Cách viết tin ngắn:

(1) Thu thập thông tin: Tiếp xúc và chụp ảnh (ít nhất 03 tấm) sự kiện, hiện tượng, con người…; phải tìm nội dung trả lời cụ thể theo công thức 5W+1H.

(2) Kiểm chứng thông tin: Xác định nguồn tin (công cộng, cá nhân hay bản thân trực tiếp chứng kiến); kiểm tra tính xác thực (chi tiết về nhân vật, nguyên nhân, kết quả…); đối chiếu thông tin với các nguồn tin khác.

(3) Xử lý thông tin:

– Xác định thông tin cốt lõi, ấn tượng nhất theo tiêu chí: mới lạ, hấp dẫn, thiết thực.

– Sắp xếp thông tin theo một trong hai hướng: 4 loại thông tin cơ bản (phản ánh, hướng dẫn, giá trị, tiêu chuẩn) hoặc thứ tự tăng dần/giảm dần tính chất quan trọng và trực tiếp.

(4) Chọn cấu trúc: Hình tháp thường (Câu chủ đề-Chi tiết quan trọng-Chi tiết quan trọng nhất) hoặc Hình tháp ngược (Chi tiết quan trọng nhất-Chi tiết quan trọng hơn-Chi tiết quan trọng).

(5) Viết tin:

– Câu đầu tiên phải thật ấn tượng: Nêu bật sự kiện (số liệu, chi tiết quan trọng nhất) và thời gian, nơi chốn xảy ra sự kiện.

– Câu 2 (đoạn 2): Tái hiện sự kiện cụ thể, chi tiết (quan hệ giữa các nhân vật, số liệu; nguyên nhân, kết quả…).

– Câu 3 (đoạn 3): Những thông tin bên lề (so sánh với sự kiện cùng loại gần đây, đánh giá của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền; hé lộ diễn biến tiếp theo…).

(6) Sửa chữa, hoàn thiện: Sửa lỗi chính tả, từ vựng, ngữ pháp; bố cục; đặt titre (nên chọn titre thông tin, không quá 12 chữ); ghi tên tác giả…

* Một số lưu ý về thể thức khi viết tin cho Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum:

– Dùng font chữ Arial để soạn thảo tin, cỡ chữ 12 (tiêu đề tin bài có thể đậm Ctrl + B), các chữ dùng trong chú thích ảnh nên để cỡ chữ 11, nghiêng (Ctrl + I); dãn cách dòng paragrah 6pt, 6pt, atleast 18; lưu file docx.

– Đặc biệt, trong các tin, bài đề nghị các CTV nên có ảnh hoặc hình minh họa, (Ảnh ở đây không chỉ có ý nghĩa trang trí mà còn có sức thu hút, minh chứng rõ nhất cho độc giả về bài viết). Ảnh nên được xử lý gọn nhẹ bằng các ứng dụng hỗ trợ xử lý ảnh như: Microsoft Office Picture Manager; Paint…

Một số hoạt động của Công an tỉnh được chia sẻ trên Trang TTĐT Công an tỉnh

Cuối cùng xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của độc giả, sự cộng tác của các Cộng tác viên đối với Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum và hy vọng sẽ nhận được rất ý kiến đóng góp, nhiều tin, bài ảnh hay, có chất lượng gửi về Ban Biên tập.

Link truy cập: https://congankontum.gov.vn/

Hộp thư Ban biên tập: banbientap.congankt@gmail.com

Thái Ngân