A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân thúc đẩy tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững

Hình thành đội ngũ doanh nhân đông đảo, gắn với phấn đấu có khoảng 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm 2025 và khoảng 6.550 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm 2030. Định hướng đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, có vị thế, uy tín trong nước và quốc tế.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 644/KH-UBND thực hiện Chương trình số 74-CTr/TU ngày 12 tháng 01 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Theo đó, mục tiêu cụ thể hình thành đội ngũ doanh nhân đông đảo, gắn với phấn đấu có khoảng 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm 2025 và khoảng 6.550 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm 2030. Định hướng đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân của tỉnh có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, có vị thế, uy tín trong nước và quốc tế.

Tại Kế hoạch, tập trung tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.

Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, góp phần giúp tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững; Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã. Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác theo quy định. Cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc; trong đó, đảm bảo chất lượng trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ, giữ gìn uy tín thương hiệu doanh nghiệp, chú trọng bảo vệ môi trường. Vận động đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, vi phạm pháp luật.

Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa doanh nghiệp và người lao động, giải quyết các vấn đề liên quan giữa lợi ích doanh nghiệp và người lao động; đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể. Quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về tiêu chuẩn, an toàn lao động, an sinh, phúc lợi xã hội, dân chủ ở cơ sở, hạn chế tối đa tranh chấp lao động. Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp. Khai thác thế mạnh, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với nông dân theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã. Tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân phát huy vai trò cầu nối trong liên kết, hợp tác giữa các bên.

Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh, là cầu nối vững chắc giữa Đảng và Nhà nước với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân. Đồng thời lắng nghe, tập hợp, phản ánh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp; tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp. Thúc đẩy, khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu...

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cấp ủy với tập thể lãnh đạo doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan