A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi mang lại những tiện ích gì?

Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo luật Căn cước công dân (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đáng chú ý, Dự thảo cũng đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.

Theo đó, về người được cấp thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ Căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Ảnh minh họa

Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học). Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Việc quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi sẽ giúp cắt giảm nhiều loại giấy tờ cho công dân vì các dữ liệu khác như thông tin bảo hiểm y tế, tiêm chủng, giáo dục… sẽ được tích hợp vào căn cước công dân, tạo thuận lợi cho người dân trong các các giao dịch dân sự, góp phần đảm bảo chính sách xã hội và thực hiện có hiệu quả chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh các kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung.


Tác giả: Hoàng Phúc