A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2024, tập trung xác định "điểm nhấn" trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Năm 2023, nhiều phong trào thi đua đã trở thành điểm sáng, nhiều nội dung, hoạt động tiếp tục được triển khai toàn diện, cụ thể, đi vào cuộc sống hằng ngày, được các cấp, các ngành, xã hội và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực, trách nhiệm, điển hình như phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; các mô hình tự quản "Khu nhà trọ không có tội phạm, tệ nạn xã hội"...

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 10/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại phiên họp tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực và kết quả triển khai Phong trào thời gian qua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo), các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, qua đó đã tăng cường triển khai Phong trào ngày càng sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa.

Năm 2023, nhiều phong trào thi đua đã trở thành điểm sáng, nhiều nội dung, hoạt động tiếp tục được triển khai toàn diện, cụ thể, đi vào cuộc sống hằng ngày, được các cấp, các ngành, xã hội và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực, trách nhiệm, điển hình như phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Thôn, tổ dân phố văn hóa"; các mô hình tự quản "Khu nhà trọ không có tội phạm, tệ nạn xã hội"... Đã tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành một số chính sách pháp luật cần thiết như các nghị định, Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025, hướng dẫn về tiêu chí thị trấn đạt chuản đô thị văn minh trong xây dựng nông thôn mới...

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đồng chí Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan nhận thức rõ Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có vị trí, vai trò rất quan trọng với phạm vi, địa bàn hết sức rộng lớn, đối tượng đa dạng, hình thức triển khai phong phú; do vậy, cách thức tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo từ trung ương đến địa phương phải cụ thể, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Việc triển khai Phong trào cần tiếp tục bám sát nội dung, nhiệm vụ đã được phân công cho các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương trong Chương trình thực hiện Phong trào giai đoạn 2021-2026 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 28/12/2021. 

Rà soát cụ thể về phạm vi, mục tiêu, đối tượng, nhiệm vụ của các phong trào thi đua có nội dung về văn hóa đang triển khai, trên cơ sở đó khắc phục những nội dung chồng chéo với phong trào (nếu có); đồng thời tăng cường liên kết giữa các nội dung, phong trào để nâng cao hiệu quả triển khai (như các phong trào, nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển xanh, sạch, đẹp, chống biến đổi khí hậu...). Chủ động rà soát, đề xuất cụ thể các nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ, các nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; chú trọng việc tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở phù hợp với từng khu vực; xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, định mức cụ thể, giao nhiệm vụ rõ ràng, báo cáo Ban Chỉ đạo để nắm tình hình và giám sát việc thực hiện. 

Đẩy mạnh và tập trung rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến việc triển khai Phong trào trên tinh thần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc và có đề xuất hướng xử lý cụ thể, nhất là liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân lực, mô hình tổ chức quản lý, hoạt động và tài chính. Phát huy vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ về chuyên môn, cơ chế, chính sách và tài chính trong điều kiện phù hợp. 

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách làm, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa, sự tham gia của nhân dân; thể hiện đúng vai trò và sự tham gia, chỉ đạo thường xuyên của Ban Chỉ đạo; xác định những mô hình tốt, cách làm hay, phù hợp với từng địa bàn, vùng, miền, xuất phát từ chính đời sống hằng ngày của người dân, từ nhu cầu của xã hội để nhân rộng, triển khai thường xuyên, lâu dài. 

Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền; tập huấn, bồi dưỡng; tổ chức thực hiện kịp thời các hoạt động của Phong trào; đầu tư và khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; kiên quyết đấu tranh với cá hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa; kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần lựa chọn chủ đề, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, "điểm nhấn" của năm, những vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo điểm liên quan đến hoạt động của Phong trào như về phòng, chống tai nạn giao thông và văn hóa giao thông, phòng chống đuối nước, bạo lực học đường..., phù hợp với môi trường văn hóa, xã hội, đời sống kinh tế của từng địa phương. Các nhiệm vụ có kế hoạch thực hiện cụ thể và dự toán kinh phí (yêu cầu chung là phải rõ nội dung trọng tâm và cách thức tổ chức thực hiện, dự kiến nguồn lực, tiêu chí đánh giá, dự kiến kết quả, có phát động, triển khai, đánh giá, tôn vinh, sơ kết, tổng kết...). Chú trọng việc theo dõi, hỗ trợ các phong trào đang triển khai rộng khắp, đa dạng trên cả nước. 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan