A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính

Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý, khắc phục những vi phạm, tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 838/VPCP-V.I ngày 02/02/2024 gửi Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Xét các báo cáo của Bộ Tư pháp về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo số 24/BC-BTP ngày 12 tháng 01 năm 2024 về tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của Bộ Tư pháp tại các báo cáo nêu trên, có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý, khắc phục những vi phạm, tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tư pháp trước ngày 01 tháng 4 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, tập trung kiểm tra các địa phương có số lượng vụ việc thi hành án hành chính lớn, phức tạp, kéo dài, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất biện pháp thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Trên cơ sở tổng hợp kết quả tổng kết tình hình thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ và kết quả tổng kết thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan