A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 118/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2024. Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo Nghị quyết, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; được Chính phủ xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thời gian qua, Chính phủ và các Thành viên Chính phủ đã rất tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, qua đó tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác này, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã tổ chức 05 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 26 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật, nghị quyết. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”; chống phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho sự phát triển, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, bệnh trì trệ trong một bộ phận cán bộ, công chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm chất lượng tốt nhất của các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì lập đề nghị, soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung chỉ đạo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và yêu cầu thực tiễn; chú trọng việc tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá kỹ tác động của chính sách, tăng cường truyền thông chính sách, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phòng ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực và các luật, nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 và ngày 01 tháng 01 năm 2025, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến đối với: Đề nghị xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp; đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).


Tác giả: BBT