A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thuốc thú y thủy sản

Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản đặc biệt là các cơ sở đã phát hiện có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trên thủy sản thời gian qua. Xác định rõ nguyên nhân, nguồn gốc nhiễm dư lượng kháng sinh, hóa chất tại từng cơ sở nuôi, các tổ chức - cá nhân bán nguyên liệu kháng sinh, thuốc ngoài danh mục; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2023 công tác thú y thủy sản (bao gồm: tổ chức phòng chống dịch bệnh thủy sản, kiểm dịch giống thủy sản, quản lý thuốc thú y thủy sản) tại nhiều địa phương đã được cải thiện; tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta; cụ thể: 

(i) Một số bệnh nguy hiểm trên tôm (bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô,..), trên cá tra (gan thận mủ, xuất huyết) và các bệnh thông thường khác trên thủy sản nuôi (vi bào tử trùng, đỏ thân, phân trắng, bệnh đường ruột, trương bóng hơi, ký sinh trùng,...) vẫn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi; 

(ii) Công tác kiểm dịch giống thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, hầu như mới chỉ thực hiện được việc kiểm dịch trên đối tượng tôm giống; 

(iii) Kết quả triển khai chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện 14 mẫu thủy sản bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi.. tại một số địa phương (Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bình Định) có tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm (Enrofloxacin, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Chloramphenicol, Leuco Malachite green, Ivermectin, Praziquantel) hoặc kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa (Sulfadimidine, Sulfadimethoxine, Oxycycline). Ngoài ra, Cơ quan thẩm quyền của Ủy ban Châu Âu cũng đã phát hiện và cảnh báo 10/19 lô hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam có dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm hoặc dư lượng kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép (Leuco malachite green/ Malachite green, AOZ, Ofloxacin, Ciprofloxacin, Doxycycline, Oxytetracycline) trên các đối tượng tôm thẻ chân trắng, cá trê, điêu hồng, cá tra, đùi ếch đông lạnh… là nguyên liệu từ vùng nuôi của một số tỉnh (An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Khánh Hòa, Kiên Giang).

Trước thực trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để chỉ đạo, chấn chỉnh nội dung này, đồng thời chỉ đạo Cục Thú y thành lập gần 20 đoàn đi kiểm tra tại các địa phương trọng điểm; Tuy nhiên hiện tượng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp và chưa có biện pháp xử lý triệt để. Để nâng cao hiệu quả công tác thú y thủy sản, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; khắc phục cảnh báo của Cơ quan thẩm quyền thuộc Ủy ban Châu Âu nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện một số nội dung sau đây:

Bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ, kịp thời kinh phí hàng năm bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra dịch bệnh và hỗ trợ công tác kiểm dịch giống hiệu quả, đảm bảo giống xuất tỉnh phải được giám sát hoặc kiểm tra xét nghiệm bệnh trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản đặc biệt là các cơ sở đã phát hiện có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trên thủy sản thời gian qua. Xác định rõ nguyên nhân, nguồn gốc nhiễm dư lượng kháng sinh, hóa chất tại từng cơ sở nuôi, các tổ chức - cá nhân bán nguyên liệu kháng sinh, thuốc ngoài danh mục; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Quản lý chặt chẽ lực lượng tiếp thị, quảng cáo và bán trực tiếp thuốc thú y tại vùng nuôi, cơ sở nuôi. Yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, chủ động phối hợp với cơ quan thú y, nhân viên thú y xã để hướng dẫn người nuôi mua thuốc thú y tại các cơ sở đủ điều kiện, sử dụng đúng - đủ - kịp thời, không lạm dụng kháng sinh cho động vật thủy sản ăn định kỳ.

Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản có trách nhiệm, mua thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành, tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong nhân y, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo; thường xuyên thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.


Tác giả: Khánh Vi